Bản lắp ráp của Ford Ranger liệu có thể cản bước tiến của Toyota Hilux và Mitsubishi Triton?

  • 17/07/2021 09:07

Câu chuyện người dùng chuông xe nhâp khẩu hơn xe lắp ráp đã không còn xa lạ tại Việt Nam. Do đó, việc Ford Việt Nam chuyển Ford Ranger từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước có thể xem là nước đi khá tạo bạo. Tuy nhiên, điều này cũng là “tất lẽ dĩ ngẫu” bởi đây là một trong những nội dung thuộc chiến lược phát triển toàn cầu của hãng xe Mỹ.

Ford Ranger chuyển sang lắp ráp trong nước với 5 phiên bản, riêng bản Raptor vẫn nhập khẩu Thái Lan.

Ra mắt vào ngày hôm qua (15/7/2021) nhằm đánh dấu cột mốc kỉ niệm 20 năm xuất hiện tại thị trường Việt Nam, Ford Ranger bản lắp ráp đã có mặt tại các đại lý để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, yếu tố khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng chính là giá bán của Ford Ranger không hề rẻ hơn mà giữ nguyên như thời nhập khẩu. Điều này đã từng được đại diện của Ford Việt Nam “cảnh báo” vào cuối năm ngoái, vị này cho hay tỉ lệ nội địa hóa của Ford Ranger khi lắp ráp tại nước ta sẽ chỉ đạt 10% và đa phần linh, phụ kiện vẫn phải nhập khẩu về lắp ráp nên giá bán sẽ khó má rẻ đi được.

Giá bán của Ford Ranger bản lắp ráp vẫn khởi điểm từ 616 triệu và cao nhất lên tới 925 triệu đồng.

Không chỉ vậy, nhiều người dùng vẫn giữ quan điểm chất lượng xe lắp ráp trong nước không thể bằng xe nhập khẩu nên cũng không thiếu trường hợp xe “hot” “thất sủng” sau khi chuyển sang lắp ráp trong nước, ví dụ điển hình chính là Honda CR-V. Thời còn nhập khẩu (giai đoạn 2018 – 2019), Honda CR-V là sản phẩm số 1 phân khúc crossover cỡ C với doanh số áp đảo các đối thủ được lắp ráp trong nước. Thậm chí ở năm 2018, CR-V còn thường xuyên bị đại lý bán kèm “lạc” lên tới cả trăm triệu đồng.

Thế nhưng vào giữa năm 2020, câu chuyện của Honda CR-V lại bẻ ngoặt sang một hướng hoán toàn khác khi được nâng cấp giữa vòng đời và chuyển sang lắp ráp trong nước. Sức tiêu thụ giảm mạnh khiến các đại lý phải trường kỳ tung ưu đãi khủng để kéo khách nhưng sau tất cả, người dùng vẫn lựa chọn quay lưng lại với Honda CR-V và giờ đây, sản phẩm đang có sức hút lớn nhất phân khúc C-SUV lại là Toyota Corolla Cross – mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

So với bản nhập khẩu, bản lắp ráp của Ford Ranger không có gì thay đổi về trang bị an toàn, tiện nghi cũng như động cơ.

Tương tự, trường hợp của Ford Ranger cũng đang có nhiều thách thức hơn là cơ hội khi giá bán không còn là khía cạnh để khai thác. Hiện tại, mẫu xe này vẫn đang có sức tiêu thụ tốt nhất phân khúc bán tải nhưng đáng nói rằng ở tháng 5 và tháng 6 vừa qua, dù cho sức tiêu thụ của toàn thị trường đều gặp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng cả Toyota Hilux lẫn Mitsubishi Triton đều có dấu hiệu tăng trưởng, bắt đầu đánh chiếm thị phần của Ranger.

Cụ thể, ở tháng 5/2021, những phiên bản của Ford Ranger nhập khẩu được quan tâm nhiều như bản XL hay Limited đã bị bán hết, khiến khách Việt không thể không tìm đến những sự lựa chọn khác trong phân khúc. Trong đó, Toyota Hilux và Mitsubishi Triton đang là 2 mẫu xe sáng giá sau Ford Ranger khi sở hữu thiết kế khỏe khoắn cũng như nhiều trang bị hấp dẫn.

Toyota Hilux.

Theo đó, sức tiêu thụ của Toyota Hilux ở tháng 5/2021 bất ngờ vượt lên khỏi khoảng trung bình hàng tháng trước đó, đạt 356 xe còn Mitsubishi Triton bán được 329 chiếc, tăng nhẹ so với tháng 4 trước đó. Sang đến tháng 6, sức bán của 2 mẫu bán tải này tiếp tục được cải thiện với doanh số của Toyota Hilux và Mitsubishi Triton lần lượt là 438 xe và 413 chiếc.

Mitsubishi Triton.

Trước tình hình đó, ngay từ giữa tháng 6/2021 một số đại lý khi chào khách đặt cọc Ford Ranger bản lắp ráp đã tung kèm ưu đãi giảm giá trực tiếp từ 30 – 40 triệu đồng (tùy phiên bản). Khuyến mãi này là cần thiết bởi dù rằng Ford Việt Nam có khẳng định dây chuyền lắp ráp của Ford Ranger đạt chuẩn toàn cầu nhưng nếu đặt xe lắp ráp và xe nhập khẩu lên cùng 1 cán cân, người dùng vẫn sẽ nghiêng về phía “đồ ngoại”.

Dẫu vậy, việc chuyển sang lắp ráp trong nước cũng sẽ khiến nguồn cung cũng như các linh, kiện phụ tùng thay thế của Ford Ranger được ổn định hơn, sẵn sàng phục vụ khách hàng có nhu cầu. Có lẽ, Ford Ranger bản lắp ráp sẽ cần thời gian để thuyết phục được khách hàng tin tưởng vào chất lượng tuy nhiên trong khoảng thời gian đó, cơ hội mở rộng vẫn sẽ thuộc về các đối thủ cùng phân khúc bán tải, đặc biệt là Toyota Hilux và Mitsubishi Triton.