"Bí kíp" mua xe ô tô dịp giáp Tết

  • 08/11/2020 11:11

Bí quyết mua xe ô tô dịp giáp Tết

Dịp giáp Tết Nguyên đán là thời điểm vàng để người tiêu dùng mua xe ô tô

Người Việt thường có tâm lý mua ô tô cuối năm để chuẩn bị đi chơi Tết, thăm thân, du lịch hay đơn giản là để tự thưởng cho mình sau một năm thành công. Một số kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn tậu được chiếc xe hơi ưng ý với số tiền bỏ ra thấp nhất, trong khoảng thời gian nhanh nhất.

Tận dụng khuyến mãi, giảm giá

Cận Tết là thời điểm lý tưởng để mua xe ô tô ở Việt Nam khi các hãng xe liên tục tung ra các chương trình ưu đãi. Đây cũng là lúc khách hàng có cơ hội để thương lượng giá cả với đại lý bán xe, cũng như đề xuất thêm các mức ưu đãi. Các gói khuyến mãi đi kèm như phụ tùng bổ sung, các loại thuế, phí cũng nên được khách hàng tìm hiểu kỹ. Bởi, có không ít các đại lý trong nước đã cắt bớt những ưu đãi này để kiếm lời.

Ngoài ra, người mua nên thực hiện so sánh các mức giảm giá hoặc giá trị quà tặng giữa những chiếc xe có chất lượng tương đương. Trong cùng một phân khúc giá, khách hàng nên lựa chọn chiếc xe sở hữu nhiều ưu đãi nhiều hơn.

Có nên trả giá?

Giá trị khi bạn trả giá được tùy thuộc vào doanh số bán hàng của mẫu xe đó, phương thức kinh doanh của từng hãng xe và thời điểm mua xe. Đừng ngần ngại đặt vấn đề giảm giá xe với nhân viên bán hàng và đôi khi cũng cần "cương quyết" bỏ nơi đang tư vấn mua xe ô tô để tìm đến một showroom khác khi bạn biết xe có thể giảm giá được.

Cách thức trả giá khi mua xe mới cũng không quá khó khăn. Hãy sử dụng những kiến thức, chút so sánh với những mẫu xe đối thủ cùng những điểm yếu của chiếc xe làm vũ khí trả giá.

Kiểm tra chất lượng xe

Tại Việt Nam, người mua ô tô thường không được kiểm nghiệm chất lượng chiếc xe trước khi mang xe về nhà. Đây là lý do dễ đến tình trạng ém hàng hoặc làm tăng giá bán xe. Do đó, đừng ngại yêu cầu người bán mang xe cho bạn lái thử trong bất kỳ thời điểm mua xe nào. Bỏ qua trình tự này, rủi ro gặp phải sau khi nhận xe sẽ chỉ làm mất thời gian và mang bực dọc vào người.

Bí quyết mua sắm xe ô tô dịp giáp Tết

Tham khảo nhiều thương hiệu

Khi mua xe, nhiều khách hàng có tâm lý chỉ tập trung vào một thương hiệu xe theo lịch sử và số đông, mà quên tìm hiểu xem chiếc xe có phù hợp với nhu cầu sử dụng hay không? Vì vậy, bạn nên tham khảo nhiều thương hiệu xe khác nhau để có thể chọn lựa được mẫu xe phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, những dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp cũng là điều mà người mua xe nên quan tâm.

Xác định rõ tiêu chí chọn lựa

Việc đòi hỏi quá nhiều thứ ở một chiếc xe hơi sẽ vô hình gây trở ngại cho việc tìm kiếm và chọn lựa xe của khách hàng. Bởi chẳng có chiếc xe nào thỏa mãn đầy đủ tiện ích, điều kiện mà giá cả lại phù hợp với mong muốn của mọi người

Vì vậy, người mua nên xác định rõ mục tiêu và tiêu chí khi chọn lựa xe để tránh lãng phí thời gian và tiết kiệm tiền bạc.

Tranh thủ sự hỗ trợ của ngân hàng

Dịp cận Tết, nhiều đại lý xe hơi có các chương trình ưu đãi, phối hợp với ngân hàng để hỗ trợ khách hàng vay mua ô tô với thủ tục đơn giản. Vì vậy, đây cũng chính là thời điểm lý tưởng để người mua tranh thủ sự hỗ trợ của ngân hàng để có thể sắm xe “diện” Tết.

Đặt cọc khi mua xe ô tô

Khi mua xe ô tô, thường thì đại lý bán sẽ yêu cầu khách hàng đặt cọc một khoản tiền để xác nhận mua xe trong trường hợp xe chưa có sẵn tại đại lý.

Theo quy định tại điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản đặt cọc là để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Quy định cũng nêu rõ: “Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp đại lý chỉ trả lại số tiền đặt cọc cho khách hàng khi không có xe giao theo hợp đồng đã ký. Nếu không còn thỏa thuận nào khác ngoài hợp đồng đặt cọc, đại lý bắt buộc phải trả lại số tiền đặt cọc, cộng thêm 1 khoản tiền tương đương với số tiền mà khách hàng đã đặt cọc.

Ví dụ, bạn đặt cọc 200 triệu đồng để mua xe ô tô. Nếu đại lý không thực hiện đúng giao dịch và thời hạn giao xe, bạn có quyền yêu cầu đại lý phải trả khoản tiền tương ứng 400 triệu đồng. Vì vậy, để tránh bị thiệt, bạn cần đọc kỹ các quy định trong biên bản thỏa thuận đặt cọc giữa hai bên, hợp đồng mua bán phải rõ ràng, cụ thể, tránh rắc rối sau này.

Giá xe thay đổi khi bàn giao

Một trường hợp người dùng phản ánh rằng trong thời gian gần đây tình trạng mua xe bị bán ở mức giá cao hơn so với giá quy định trong hợp đồng khi đặt cọc.

Gặp tình huống này, đại lý thường hướng dẫn khách hàng viết đơn tự nguyện viết đơn tự nguyện rút tiền đặt cọc hoặc chấp nhận mua xe với giá cao hơn giá được quy định trong hợp đồng. Song, những cách làm này đều làm cho người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi chính đáng.

Theo đó, Điều 16 Luật Bảo vệ người tiêu dùng có quy định doanh nghiệp không được phép quy định trong các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung khi giao kết với người tiêu dùng các điều khoản có nội dung: Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Khi ký hợp đồng đặt cọc mua xe, người tiêu dùng cần yêu cầu đại lý loại bỏ điều khoản cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe nếu phát hiện có xuất hiện trong hợp đồng.

Bên cạnh 2 trường hợp trên, khách hàng cũng phản ánh về việc đại lý giao xe ô tô thiếu linh kiện, phụ kiện đi kèm như lốp xe dự phòng, hộp dụng cụ, sách hướng dẫn sử dụng,… Đối với trường hợp này, người tiêu dùng cần phải kiểm tra kỹ các linh phụ kiện kèm theo xe đã được công bố công khai trên các trang web chính thức của hãng xe.