Các anh các chị đi xe trong phố toàn bật đèn pha như thế là muốn chúng tôi sống sao?

  • 11/12/2020 16:12

Vấn đề bật đèn pha làm chói mắt người khác không hề mới, nhưng chưa bao giờ ngừng khiến người tham gia giao thông như chúng tôi hết bức xúc. Đi đường ai cũng thích sáng sủa để có thể nhìn và quan sát rõ ràng đoạn đường cũng như các phương tiện đi phía trước, nhưng điều đó không có nghĩa là các vị có thể bật đèn pha liên tục, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người đi theo hướng ngược lại lẫn người dùng gương chiếu hậu như thế.

Tình trạng sử dụng đèn pha - đèn chiếu xa trong phố gây nguy hiểm cho người khác

Tình trạng sử dụng đèn pha - đèn chiếu xa trong phố gây nguy hiểm cho người khác

Đèn pha/đèn cốt là gì?

Đèn pha (đèn far) là chế độ chiếu xa của đèn pha trên xe máy, ô tô, có góc chiếu cao và cường độ sáng mạnh nhằm giúp người lái xe quan sát tốt hơn. Đèn pha thường được sử dụng ở những nơi ngoài đô thị, thiếu ánh sáng do không có đèn đường nhằm giúp tài xế quan sát ở phạm vi xa và tốt hơn.

Ngược lại, đèn cốt (đèn cos) là đèn chiếu gần, có góc chiếu sáng thấp, nhưng vẫn cung cấp đủ ánh sáng để người điều khiển xe có thể quan sát tình trạng mặt đường cũng như phương tiện phía trước trong phạm vi gần. Đây là chế độ chiếu sáng được khuyên dùng khi di chuyển trong đô thị hoặc tốc độ chậm.

Định nghĩa là như vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa cũng như cách dùng của mỗi chế độ chiếu sáng. Nhiều người bước lên xe chỉ biết khởi động máy xe và tham gia giao thông, không hề quan tâm đến việc chiếc xe của mình đang để đèn pha hay đèn cốt, cũng không biết như thế nào là đèn pha, như thế nào là đèn cốt.

Cá biệt, có một số người tham gia giao thông dù biết đến đèn pha/cốt, nhưng vẫn liên tục sử dụng đèn chiếu xe dù là trong đô thị hay trên đường dài. Mặc cho các lái xe khác đã nháy pha ra hiệu nhưng các tài xế này vẫn "kiên quyết" bật đèn pha chiếu vào mắt người khác. Tôi xin nói luôn đây là hành vi rất kém văn minh, làm ảnh hưởng và thậm chí có nguy cơ gây tai nạn cho người khác.

Công tắc đèn pha/đèn cốt trên xe

Trên xe máy, công tắc chuyển chế độ pha/cốt được bố trí ở bên tay lái của xe. Mỗi chế độ sẽ có ký hiệu riêng, trong khi đèn pha có ký hiệu bóng đèn với các tia sáng theo chiều ngang thì đèn cốt sử dụng ký hiệu bóng đèn với các tia sáng chiếu xuống dưới.

Công tắc chuyển chế độ pha/cốt trên xe máy

Công tắc chuyển chế độ pha/cốt trên xe máy

Đối với ô tô, ký hiệu pha/cốt cũng được vẽ tương tự và bố trí trên cần gạt phía sau vô lăng. Tùy vào mẫu xe mà cách bật đèn, chuyển chế độ đèn chiếu xa gần của xe sẽ khác nhau. Cụ thể với xe Toyota Fortuner, khi xoay núm trên cần điều khiển để bật đèn pha, xe thường ở chế độ chiếu gần (cos – cốt). Để chuyển sang chế độ chiếu xa, tài xế đẩy cần về phía táp-lô, ngược lại khi kéo cần về phía vô-lăng tức chuyển sang chế độ chiếu gần.

Công tắc bật đèn, chuyển chế độ pha/cốt trên xe ô tô

Công tắc bật đèn, chuyển chế độ pha/cốt trên xe ô tô

Nếu đọc xong hướng dẫn trên nhưng các bạn vẫn không hiểu như thế nào là pha/cốt, làm ơn hãy nhìn vào bảng đồng hồ của xe. Trên bảng đồng hồ của mỗi xe, dù là ô tô hay xe máy đều sẽ có đèn báo hiệu đang bật đèn pha, thường đèn báo sẽ có màu xanh dương làm nền cho ký hiệu đèn pha. Nếu đèn này bật sáng nghĩa là đèn xe đang ở chế độ chiếu xa, có thể làm chói mắt hoặc mất tầm nhìn của người đi theo hướng ngược lại hoặc người đi cùng chiều có gương chiếu hậu.

Thành thực mà nói, mức phạt với lỗi bật đèn pha trong độ thị tại Việt Nam vẫn còn rất nhẹ, chưa có tính răn đe. Vậy nên nhiều tài xế vẫn bất chấp sự an toàn của người khác mà sử dụng đèn chiếu xe mọi lúc mọi nơi, gây nguy hiểm cho người khác. Theo tôi được biết, tại một số quốc gia khác, đã có luật bắt buộc người vi phạm phải tự nhìn vào đèn pha của chính mình trong một phút vì lỗi sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị. Qua hình thức này, chắc chắn người vi phạm sẽ thấy được tác hại của việc bật đèn pha trong phố.

Vì vậy, khi đi trong đô thị, các tài xế ô tô, người đi xe máy LÀM ƠN hãy chú ý chế độ chiếu sáng của xe khi tham gia giao thông vào buổi tối. Sự vô tình hay cố ý của các bạn thực sự gây nguy hiểm cho chúng tôi. Trong trường hợp quên, hoặc không chú ý, nếu xe đi hướng ngược lại nháy pha ra hiệu cho các bạn, xin hãy chuyển sang chế độ đèn chiếu gần. Chỉ một hành động nhỏ của các bạn vừa mang đến cho chúng tôi tầm tốt nhìn khi đi vào buổi tối, vừa thể hiện bạn là người văn minh khi tham gia giao thông, đồng thời giảm được nguy cơ tai nạn giao thông vì mất tầm nhìn. Mong các bạn hãy chú ý đến điều này và tham gia giao thông an toàn.

Mức xử phạt người điều khiển xe sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư

Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 100 quy định về việc xử phạt người điều khiển ô tô sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha) trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định sẽ bị xử phạt từ 800.000 – 1.000.000 đồng.

Còn đối với xe máy (tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 100) khi sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng

 

Lê Văn Phương