Cấu tạo, cách điều chỉnh và những lỗi thường gặp của vô lăng

  • 31/03/2021 08:03

Vô lăng là một bộ phận rất quan trọng của xe ô tô, để hiểu hơn về chúng, mời độc giả tham khảo bài viết tổng hợp từ Tinxe.vn.

Cấu tạo của vô lăng xe

Vô lăng là một trong những bộ phận thuộc hệ thống lái của xe ô tô, có dạng hình tròn và được dùng để điều khiển hướng di chuyển của xe. Vô lăng sẽ được đặt ở bên trái hoặc phải tùy theo quy ước về chiều lưu thông đường bộ của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, vô lăng được đặt ở bên trái vì chiều thuận quy định trong luật giao thông là bên phải.

Vô lăng được kết nối với cổ lái thông qua các chấu, tùy vào mỗi nhà sản xuất mà số lượng chấu có thể khác nhau (2, 3 hoặc 4 chấu). Ngoài thiết kế hình tròn là phổ biến thì vô lăng còn được biến thể thành một số hình đặc biệt, độc lạ khác nhau như cánh bướm, hình tròn bị vát bằng phía dưới,...

Vô lăng xe chủ yếu được thiết kế dạng hình tròn.

Vô lăng xe chủ yếu được thiết kế dạng hình tròn.

Chất liệu của vô lăng là hợp kim nhôm hoặc magie độ bền cao, được ốp vân gỗ hoặc bọc da bên ngoài. Đối với các phiên bản xe đua, xe hiệu năng cao thì vô lăng có thể làm từ carbon, giúp giảm trọng lượng.

Vô lăng xe được gắn cố định hoặc có thể điều chỉnh theo 4 hướng cơ bản gồm hướng lên – xuống và hướng xa – gần. Cơ cấu điều chỉnh vô lăng có 2 dạng chính là chỉnh điện và chỉnh cơ, trong đó chỉnh cơ là phổ biến nhất. Một số dòng xe sang hiện nay được trang bị thêm tính năng nhớ vị trí lái kết hợp với vị trí ghế ngồi, hoặc vô lăng sẽ tự động điều chỉnh để khi tài xế bước lên – xuống xe thì đầu gối không bị chạm vào vị trí dưới của vô lăng, nhờ vậy lái xe thoải mái, dễ dàng hơn.

Trên vô lăng sẽ được tích hợp nhiều chức năng khác nhau tùy theo thiết kế của từng loại xe và hãng ô tô. Để giúp người lái điều khiển xe thuận tiện hơn thì vô lăng có thể gồm tính năng đàm thoại rảnh tay, nút bấm còi, điều khiển dàn loa, khóa cửa,… Phía sau vô lăng còn được tích hợp cần gạt điều chỉnh đèn xi nhan/ đèn pha/ gạt nước/ lẫy chuyển số.

Điều chỉnh vô lăng đúng cách làm giảm nguy cơ tai nạn

Việc điều chỉnh vô lăng đúng cách sẽ giúp giảm tình trạng mỏi tay khi lái, giảm thiểu nguy cơ tai nạn khi có sự cố bất ngờ. Đối với loại điều chỉnh cơ, cần khóa thường nằm ở bên đầu gối trái hoặc phải hoặc ở chính giữa.

Để có tư thế lái xe thoải mái, tài xế nên kéo cần nới lỏng bộ khóa của vô lăng. Khi đó, vô lăng có thể thay đổi lên xuống dễ dàng, phù hợp với người lái. Lưu ý, hãy chỉnh vô lăng lên – xuống sao cho hai mắt có thể nhìn thấy hoàn toàn bảng taplo, đỉnh của vô lăng không che khuất tầm mắt quan sát đến các vị trí quan trọng như báo nhiệt độ động cơ, tốc độ xe, báo nhiên liệu,…

Kế đến, bạn chỉnh vô lăng xa - gần sao cho góc khuỷu tay và vô lăng trong khoảng 120 độ. Đồng thời, khoảng cách từ vai đến vô lăng cũng không quá 30 cm.

Nếu vô lăng không thể điều chỉnh xa – gần, bạn sẽ phải điều chỉnh ghế ngồi để có khoảng cách phù hợp với vô lăng. Sau khi điều chỉnh vô lăng xong, hãy nhớ đẩy khóa vô lăng về vị trí ban đầu và bắt đầu hành trình.

Điều chỉnh vô lăng đúng giúp tay lái bớt mỏi, giảm thiểu nguy cơ tai nạn.

Điều chỉnh vô lăng đúng giúp tay lái bớt mỏi, giảm thiểu nguy cơ tai nạn.

Có nên bọc vô lăng không?

Vô lăng nằm gần kính lái ở phía trước và kính cửa sổ ở bên hông, 2 loại kính này lại là nơi hấp thụ nhiều nhiệt lượng và bức xạ nhất vào nội thất. Vô lăng xe thông thường đều làm bằng chất liệu nhựa, bọc nhựa tổng hợp nên khả năng chịu nhiệt kém, lâu dần sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt lượng và bức xạ từ ánh nắng mặt trời.

Đây cũng là vị trí ma sát nhiều với tay cầm lái, tác động xấu tới chất liệu vỏ vô lăng, nhất là những ai thường ra mồ hôi tay hoặc cầm lái lâu. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác khiến vô lăng nhanh xuống cấp như oxy hoá, không được vệ sinh bảo dưỡng thường xuyên,… Nếu không khắc phục kịp thời, vô lăng sẽ phồng rộp, biến dạng, bong tróc, mất thẩm mỹ.

Bọc da vô lăng ô tô sẽ tránh được tác hại từ nhiệt và bức xạ qua kính xe, bảo vệ vô lăng tốt hơn. Tuy nhiên, sử dụng bọc vô lăng bằng chất liệu không hợp lý dễ trơn trượt sẽ gây ảnh hưởng đến việc đánh lái của bạn, gây mất an toàn khi lái xe. 

Bọc da giúp tăng tuổi thọ của vô lăng, tăng tính thẩm mỹ cho tổng thể khoang nội thất.

Bọc da giúp tăng tuổi thọ của vô lăng, tăng tính thẩm mỹ cho tổng thể khoang nội thất.

Những lỗi vô lăng thường gặp

Vô lăng bị nặng

Nguyên nhân khiến vô lăng bị nặng là do dầu trợ lực lái, bảo dưỡng không thường xuyên dẫn đến mức dầu trợ lực lái thấp hơn mức bình thường. Trong trường hợp này, bạn có thể tự kiểm tra, nếu thấy lượng dầu thiếu thì bơm thêm để hệ thống lái về bình thường.

Vô lăng nặng cũng có thể vì dây dẫn dầu bị nứt, cánh bơm dầu trợ lực bị mòn khiến lượng dầu đến thước lái không đảm bảo làm vô lăng bị nặng. Ngoài ra, thước lái bị hở séc-măng, dầu tràn và lọt sang khoang bên hoặc thanh dẫn lái bị khô làm khả năng bôi trơn kém, đánh lái chậm. Bạn nên mang xe đến cơ sở dịch vụ làm bảo dưỡng để kịp khắc phục.

Vô lăng bị lệch

Vô lăng bị lệch có thể do tai nạn, xe bị va chạm, lực tác động sẽ khiến rotuyn bị lệch làm vô lăng xe cũng bị lệch theo.

Lốp xe không cân đều, lâu dần dẫn đến vô lăng bị lệch sang trái hoặc phải. Việc lốp không đều có thể do áp suất xe không bằng nhau, độ chụm bánh xe bị lệch vì xe thường xuyên di chuyển trên đường xấu hoặc dừng/ đỗ xe không cân. Thước lái gặp vấn đề, trục trặc cũng sẽ làm vô lăng lệch. Chủ xe cần mang ô tô của mình đi kiểm tra và sửa chữa tại cơ sở dịch vụ.

Vô lăng rung lắc

Vô lăng rung lắc có thể đến từ nguyên nhân do hệ thống treo; lốp xe lắp không đúng cách hoặc lốp xe quá mòn, áp suất lốp thấp; phanh gặp vấn đề.

Khi vô lăng có dấu hiệu rung lắc thì bạn cần kiểm tra lại những bộ phận trên, nếu phát hiện ra vấn đề thì đem xe đến gara ô tô để bảo dưỡng, sửa chữa.

Ô tô bị khoá vô lăng

Vô lăng xe bị khóa là do sau khi tắt máy hoặc xe chưa nổ máy mà bạn vẫn cố xoay vô lăng. Trong một vài trường hợp đỗ xe, vô lăng không thẳng mà bạn vẫn tắt máy, rút chìa khóa thì cũng dẫn đến việc khóa vô lăng. Hiện tượng này xảy ra là bởi tính năng chống trộm từ thiết kế của nhà sản xuất. Vô lăng bị khóa không gây ảnh hưởng hay hư hại gì đến hệ thống lái của xe nên bạn không cần quá lo lắng.

Để khắc phục, bạn lắc nhẹ vô lăng, đồng thời cắm chìa khóa vào ổ là được. Hoặc bạn chỉ cần cắm chìa vào ổ, xoay chìa và lắc nhẹ là vô lăng sẽ trở về bình thường.

Vô lăng bị khóa không gây hư hỏng đến hệ thống lái.

Vô lăng bị khóa không gây hư hỏng đến hệ thống lái nên người dùng không cần quá lo lắng.

Vô lăng bị rơ

Vô lăng bị rơ sẽ dẫn đến tình trạng chậm trễ khi đang lái xe. Nguyên nhân chính khiến vô lăng xe bị rơ thường vì xe sử dụng lâu hoặc đã từng xảy ra va chạm. 

Ngay khi phát hiện xe có vấn đề, bạn cần nhanh chóng đưa ô tô đến trung tâm dịch vụ để xử lý hoặc gọi xe cứu hộ nếu không chắc chắn về tình hình của chiếc xe.

Trên đây là những thông tin về vô lăng xe ô tô để bạn tham khảo. Hy vọng bài viết tổng hợp vừa rồi đã giúp ích cho bạn trong việc sử dụng xế cưng một cách hiệu quả hơn.

Nguồn ảnh: Internet

Tịnh Tâm