Hiểu đúng về lỗi vượt phải khi tham gia giao thông tại Việt Nam

  • 18/09/2020 21:09

Thế nào là lỗi vượt phải?

Trước đây, quy chuẩn 41/2016 quy định cụ thể về lỗi vượt phải ô tô và lỗi vượt phải xe máy như sau: "Vượt phải là tình huống giao thông, trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều. Các phương tiện không được phép vượt phải nhau trừ một số trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ."

Như vậy, lỗi vượt phải chỉ được xác định khi diễn ra trên đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều. Trong khi đó, đối với đường cao tốc hay đường quốc lộ có hai làn xe trở lên mỗi chiều thì hành vi vượt này không được coi là vi phạm lỗi vượt phải. Tuy nhiên, khi quy chuẩn QCVN 41/2019/BGTVT được thông qua, cơ quan chức năng đã loại bỏ khái niệm này.

Các lái xe không được phép vượt phải trên những đoạn đường chỉ có một làn đường

Các lái xe không được phép vượt phải trên những đoạn đường chỉ có một làn đường.

Mặc dù QCVN 41/2019/BGTVT không quy định rõ thế nào là “vượt phải” như trước đây nhưng Nghị định 100/2019/NĐ-CP lại xác định việc xử phạt xung quanh hành vi này rất rõ ràng.

Cụ thể, điểm d khoản 5 Điều 5 và điểm h, khoản 3, điều 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ghi rõ sẽ xử phạt người điều khiển xe thực hiện hành vi vượt bên phải xe khác, vi phạm lỗi xe máy vượt phải ô tô trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.

Mức phạt đối với hành vi vượt phải khi tham giao thông

Cũng theo điểm d, khoản 5, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các lái xe điều khiển xe ô tô có hành vi vượt phải trong trường hợp không được phép thì sẽ bị phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Đối với người điều khiển xe máy khi vượt phải trong trường hợp không cho phép thì sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng theo quy định tại điểm h, khoản 3, điều 6, nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Biển cấm vượt P.135 - các lái xe không được phép vượt xe khi gặp biển báo này.

Biển cấm vượt P.135, các lái xe không được phép vượt xe khi gặp biển báo này.

Ngoài ra, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với lỗi rẽ phải vượt đèn đỏ, người vi phạm sẽ bị phạt cụ thể như sau:

- Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng, theo điểm a khoản 5 điều 5.

- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 600.000 - 1.000.000 đồng, theo điểm e khoản 4 điều 6.

- Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng, theo điểm đ khoản 5 điều 7.

- Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng, theo điểm đ khoản 2 điều 8.

Khi nào không bị xử phạt với lỗi vượt phải khi tham gia giao thông?

Theo quy định trên, không xử phạt hành vi vượt xe trong trường hợp đáp ứng các điều kiện sau:

- Đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều;

- Các làn đường được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường;

- Xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.

Cách vượt đúng quy định của luật giao thông đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông

Để vượt xe an toàn, tránh được lỗi vượt phải ô tô, các lái xe cần phải tuân thủ luật giao thông đường bộ và chỉ vượt sang bên trái xe đi cùng chiều phía trước. Trong trường hợp xe đi phía trước đi chậm và trên đoạn đường có nhiều làn đường được phân cách bằng vạch kẻ đứt thì các lái xe có thể bật xi nhan thông báo chuyển hướng, chuyển sang làn đường bên phải và vượt xe đi phía trước. Lưu ý khi vượt xe vẫn phải đảm bảo đúng quy định về tốc độ tối đa và không nằm trong vùng hiệu lực của biển cấm vượt.

Trên đây là những thông tin về lỗi vượt phải, lỗi vượt đèn đỏ rẽ phải phạt bao nhiêu cũng như các quy định mức phạt đối với ô tô và xe máy mới nhất 2020 để độc giả tham khảo, từ đó nắm chắc được luật giao thông đường bộ, góp phần an toàn khi tham gia giao thông.

Quy định mới nhất về lỗi không bật đèn năm 2020 theo Nghị định 100

Hoàng Hiển