Hộp số CVT là gì? Ưu nhược điểm của hộp số CVT?

  • 08/04/2020 13:04

Hộp số CVT là gì?

Hộp số CVT có tên tiếng Anh là Continuously Variable Transmission, nghĩa là hộp số tự động vô cấp hay hộp số biến thiên vô cấp. Hộp số CVT có cấu tạo chính bao gồm một dây cu-roa (dây đai) và 2 pu-ly (ròng rọc). Ngoài ra, trong hộp số CVT còn có bộ vi xử lý và các cảm biến nhưng đảm nhiệm chức năng hoạt động chính vẫn là 3 bộ phận trên.

Hộp số CVT dùng dây đai và 2 pu-ly để thay đổi tỷ số truyền của động cơ thay vì dùng bánh răng như hộp số truyền thống

Hộp số CVT dùng dây đai và 2 pu-ly để thay đổi tỷ số truyền của động cơ thay vì dùng bánh răng như hộp số truyền thống .

Nhằm mang đến trải nghiệm lái thoải mái cho người dùng nhưng lại không thông qua cấp số, các hãng sản xuất đã chế tạo ra hộp số tự động vô cấp CVT. Có nghĩa là nếu như hộp số sàn và hộp số tự động thông thường sử dụng bánh răng để thay đổi tỷ số truyền của động cơ tương ứng với từng cấp số, hộp số vô cấp CVT lại dùng dây đai (làm bằng kim loại hoặc dạng cao su chịu lực) cũng như 2 ròng rọc để thực hiện chức năng trên. Theo đó, muốn xe tăng tốc/giảm tốc, rãnh của mỗi ròng rọc sẽ trượt vào/ra để thay đổi độ cao của từng đầu dây curoa, và tỷ số thay đổi của bán kính quay trên ròng rọc này sẽ tạo thành “cấp số ảo” cho xe.

Cấu tạo chính của hộp số vô cấp CVT bao gồm 2 pu-ly (ròng rọc) và dây đai (cu-roa)

Cấu tạo chính của hộp số vô cấp CVT bao gồm 2 pu-ly (ròng rọc) và dây đai (cu-roa).

Cụ thể, 2 pu-ly đầu ra, đầu vào được tạo bởi 2 khối hình nón riêng biệt, đối diện nhau và được nối bởi 1 dây đai. Pu-ly đầu vào (pu-ly chủ động) được nối với trục quay của động cơ, truyền lực từ động cơ đưa vào hộp số. Trong khi đó, pu-ly đầu ra (pu-ly bị động) có nhiệm vụ truyền mô-men xoắn đến trục truyền động tới bánh xe. Khoảng cách giữa trục pu-ly với điểm quấn của dây đai được gọi là bán kính quay và tỷ số bán kính quay của pu-ly chủ động và pu-ly bị động sẽ xác lập “cấp số” của hộp số.

Hiện nay, hộp số CVT được sử dụng khá phổ biến và được trang bị cho nhiều dòng xe, có thể kể đến như Nissan X-Trail, Toyota Corolla Altis, Toyota Vios, Honda City, Mitsubishi Outlander...

Ưu nhược điểm của hộp số CVT

Ưu điểm của hộp số CVT

  • Cấu tạo đơn giản

Hộp số CVT có cấu tạo không phức tạp, kích thước nhỏ và trọng lượng nhẹ hơn so với hộp số tự động truyền thống. Nhờ đó tiết kiệm được không gian và giúp tối giản trọng lượng của tổng thể chiếc xe. Đồng thời, với thiết kế đơn giản, trong quá trình sử dụng hộp số CVT rất ít khi gặp vấn đề hỏng hóc về mặt kỹ thuật.

Ngoài ra, do hộp số CVT chỉ gồm 2 bộ phận chính là dây đai truyền động và 2 ròng rọc nên chi phí sản xuất không quá cao, vì vậy phần nào sẽ giúp giá thành của chiếc xe được giảm bớt.

  • Tiết kiệm nhiên liệu

So với hộp số sàn và hộp số tự động thông thường, hộp số CVT được đánh giá cao hơn về khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Bản chất của hộp số CVT là điều chỉnh tốc độ động cơ phù hợp với động năng sinh ra nên sẽ giúp giảm thiểu mức tiêu hao nhiên liệu. Theo Tinxe, điều này được thể hiện rõ khi xe chạy ở đường cao tốc với tốc độ ổn định, xe sẽ tiết kiệm được lượng nhiên liệu đáng kể. Tất nhiên, mức tiêu hao nhiên liệu còn phụ thuộc vào kỹ năng lái xe của tài xế.

  • Vận hành êm ái

Nhìn chung, quá trình sang số của hộp số CVT mượt mà, không bị giật cục như các loại hộp số sử dụng bánh răng. Theo thống kê, cùng 1 loại động cơ như nhau nhưng xe được trang bị hộp số CVT đạt được vận tốc 100 km/h nhanh hơn 25% so với xe sử dụng hộp số thường.

Hộp số CVT tăng/giảm tốc khá mượt mà, tiết kiệm nhiên liệu tuy nhiên vẫn còn phát ra tiếng ồn

Hộp số CVT tăng/giảm tốc khá mượt mà, tiết kiệm nhiên liệu tuy nhiên vẫn còn phát ra tiếng ồn.

Nhược điểm của hộp số CVT

Dù sở hữu nhiều ưu điểm tuy nhiên hộp số CVT vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như sau:

  • Tiếng ồn

Khi vận hành ở vòng tua máy cao, xe dùng hộp số vô cấp CVT thường phát ra tiếng ồn, thậm chí nếu tính năng cách âm của xe không tốt, tiếng ồn còn lọt vào khoang cabin khiến cho người dùng xe cảm thấy khó chịu. Nguyên nhân là do hộp số CVT sử dụng dây đai cu-roa truyền động giữa 2 ròng rọc nên nếu tăng tốc đột ngột, dây đai sẽ dễ bị trượt, gây ra tiếng ồn mà chuyển tốc rất chậm. Ngoài ra, khả năng chịu mô-men xoắn ở mức cao của hộp số CVT không tốt, chính vì nhược điểm này mà hộp số CVT chủ yếu được trang bị trên các dòng xe cỡ nhỏ và không phù hợp để sử dụng cho các dòng xe cỡ lớn hoặc thể thao hiệu năng cao.

Theo các chuyên gia tư vấn kỹ thuật ô tô, sau khi chạy được trung bình khoảng 50.000 km, chủ xe nên thay mới dây đai truyền động của hộp số bởi tuổi thọ của chi tiết này khá ngắn, đặc biệt khi nó phải chịu tải lớn trong một thời gian dài. Trong quá trình di chuyển, nếu tình trạng xe phát ra tiếng ồn khi tăng tốc diễn ra thường xuyên, chủ xe cũng nên chủ động kiểm tra và kịp thời thay thế dây đai.

Ngoài dây đai truyền động, chủ xe cũng cần chú ý kiểm tra mực dầu hộp số CVT để đảm bảo hộp số được hoạt động trơn tru. Lưu ý cần sử dụng đúng loại dầu dành cho hộp số CVT, tránh tình trạng thay nhầm loại dầu dành cho hộp số sàn hay loại hộp số sử dụng bánh răng.

  • Cảm giác lái

Ưu điểm giúp xe hoạt động mượt mà mà không cần phải sang số lại chính là nhược điểm của hộp số CVT khi nó không mang đến cảm giác lái phấn khích cho tài xế, đặc biệt khi tăng tốc. Nhiều người chia sẻ rằng khi sử dụng xe trang bị hộp số CVT họ cảm thấy thiếu đi cảm giác lái chân thực. Có thể nói rằng, những dòng xe trang bị hộp số CVT không phải là sự lựa chọn hoàn hảo đối với những người đam mê cảm giác lái thể thao.

Ngoài những hạn chế trên thì độ bền của hộp số CVT so với hộp số sàn hay hộp số tự động truyền thống vẫn chưa được xác thực. Tùy vào từng điều kiện môi trường thời tiết và địa hình mà mỗi loại hộp số có thể phát huy hay bộc lộ rõ ràng ưu nhược điểm của nó. Tuy nhiên, nếu khách hàng là người muốn lái một chiếc xe vận hành ổn định, tiết kiệm nhiên liệu thì không thể bỏ qua xe sử dụng hộp số CVT. Nếu là người đam mê tốc độ, muốn trải nghiệm cảm giác lái phấn khích, thể thao thì đây không phải là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.

Hoàng Cúc