Khác biệt trang bị giữa 3 phiên bản của Mazda CX-3, chênh lệch giá bán liệu có xứng đáng?

  • 24/04/2021 15:04

Ra mắt Việt Nam vào ngày 20/4/2021 vừa qua, Mazda CX-3 đang là mẫu xe nhận được nhiều sự chú ý bởi đây là tân binh mới ở phân khúc SUV đô thị cỡ B vốn đang nóng bỏng với sự cạnh tranh của Kia Seltos và Hyundai Kona.

Sở hữu thiết kế nội/ngoại thất không hào nhoáng như 2 đối thủ chính kể trên nhưng Mazda CX-3 vẫn sẽ có thị phần riêng của mình bởi nhiều người Việt vẫn thích sở hữu ô tô Nhật Bản, do quan niệm sản phẩm đến từ xứ sở hoa anh đào thường sẽ có độ bền tốt hơn. Đặc biệt khi Mazda CX-3 hiện đang là mẫu xe có nhiều công nghệ nhất phân khúc B-SUV với sự xuất hiện của gói trang bị i-Activsense trên bản cao nhất và đồng thời giá bán vẫn thấp hơn Seltos và Kona, khởi điểm từ 629 triệu và cao nhất lên tới 709 triệu đồng.

Mazda CX-3 đang là mẫu xe có nhiều công nghệ nhất phân khúc SUV đô thị cỡ B.

Phiên bảnGiá niêm yết
Mazda CX-3 1.5 Deluxe629.000.000
Mazda CX-3 1.5 Luxury669.000.000
Mazda CX-3 1.5 Premium709.000.000

Giá bán chi tiết 3 phiên bản của Mazda CX-3.

Nhiều công nghệ là một lợi thế cạnh tranh mạnh nhưng với nhiều người, gói trang bị i-Activsense cũng không mấy quan trọng và họ sẽ quan tâm nhiều đến 2 bản thấp hơn của CX-3. Ngoài ra, Mazda CX-3 chỉ có 1 tùy chọn động cơ duy nhất là máy xăng Skyactiv-G 1.5L, đi kèm hộp số tự động 6 cấp cho công suất tối đa 110 mã lực và mô-men xoắn cực đại lên tới 144 Nm.

Vậy nên, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những khác biệt về “option” trên 3 phiên bản của Mazda CX-3 khi mức chênh lệch cao nhất lên tới 80 triệu đồng.

Trang bị ngoại thất

Đầu tiên, chênh lệch về giá giữa 2 phiên bản Luxury và Premium là 40 triệu đồng nhưng các “option” ở phần ngoại thất gần như không khác gì nhau chỉ trừ chi tiết ốp cản sau. Theo đó, phiên bản Luxury của Mazda CX-3 vẫn có những chi tiết hấp dẫn như mâm hợp kim 18 inch, hệ thống đèn full LED.

Bản Luxury và Premium của Mazda CX-3 sử dụng chung mâm hợp kim 18 inch.

Trong khi đó, chênh lệch giữa bản tiêu chuẩn và bản cao nhất của Mazda CX-3 là 80 triệu đồng nhưng “option” ngoại thất trên bản Deluxe cũng tương đối đầy đủ, chỉ không có ốp cản sau và hệ thống đèn đều là bóng halogen truyền thống chứ không phải là LED.

Ngoại thất1.5 Deluxe1.5 Luxury1.5 Premium
Cụm đèn trướcHalogenLEDLED
Tự động bật/tắt
Cân bằng góc chiếu tự động
Đèn sương mù trước
Cụm đèn sauHalogenLEDLED
Mâm hợp kim16 inch18 inch18 inch
Gương chiếu hậu chỉnh, gập điện
Gạt mưa tự động
Baga mui
Cánh hướng gió
Ốp cản sauKhông Không

So sánh trang bị ngoại thất giữa 3 phiên bản của Mazda CX-3.

Trang bị nội thất

Tương tự như phần ngoại thất, nội thất 2 bản cao nhất của Mazda CX-3 gần như tương đồng, chỉ có điều bản Luxury sẽ không có ghế chỉnh điện hay nhớ vị trí. Trong khi đó, nội thất của bản tiêu chuẩn lại bất ngờ khá “xịn sò”, chất liệu tuy là da kết hợp với nỉ nhưng vẫn có nhiều tiện nghi như điều hòa tự động, gương chiếu hậu chống chói tự động, màn hình giải trí 7 inch có hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto,…

Nội thất của Mazda CX-3 Premium.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa nội thất của bản Deluxe và Premium là không có ghế chỉnh điện, lẫy chuyển số, phanh tay điện tử tích hợp giữ phanh tự động và màn hình hiển thị kính lái HUD.

Nội thất1.5 Deluxe1.5 Luxury1.5 Premium
Chất liệu ghếDa + nỉDa Da
Ghế lái chỉnh điện nhớ vị tríKhôngKhông
Màn hình 7 inch có kết nối Apple CarPlay/Android Auto
Hệ thống loa666
Lẫy chuyển sốKhông
Màn hình hiển thị thông tin HUDKhông
Phanh tay điện tử tích hợp giữ phanh tự động
Khởi động nút bấm
Chìa khóa thông minh
Kiểm soát hành trình
Điều hòa tự động
Cửa sổ chỉnh điện
Gương chiếu hậu trong xe chống chói tự động
Hàng ghế sau gập 60/40
Tựa tay hàng ghế sau

So sánh trang bị nội thất giữa 3 phiên bản của Mazda CX-3.

Trang bị an toàn

Như đã đề cập ở trên, Mazda CX-3 hiện đang là mẫu xe có nhiều công nghệ nhất phân khúc với gói trang bị i-Activsense, gồm các tính năng hiện đại như: Hệ thống tự động điều chỉnh đèn pha HBC, cảnh báo điểm mù BSM, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau khi lùi RCTA, cảnh báo lệch làn đường LDWS, hỗ trợ phanh thông minh trước/sau trong thành phố SCBS, hệ thống nhận diện người đi bộ và hệ thống lưu ý người lái nghỉ ngơi DAA.

Tuy nhiên, gói công nghệ i-Activsense này sẽ chỉ xuất hiện trên phiên bản Premium cao nhất của Mazda CX-3 và đây cũng là khác biệt lớn nhất giữa 3 phiên bản của mẫu xe này.

Các trang bị an toàn cơ bản còn lại trên cả 3 bản là như nhau, tức bao gồm: phanh chống bó cứng ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BAS, đèn báo hiệu phanh khẩn cấp ESS, cân bằng điện tử DSC, kiểm soát lực kéo TCS, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HLA, hệ thống chống trộm, camera lùi, cảm biến đỗ xe phía sau và 6 túi khí.

Kết luận

Nếu không quá quan tâm về công nghệ và đồng thời muốn tìm đến giải pháp kinh tế hơn bản Premium cao nhất của Mazda CX-3, người dùng nên đến với bản Luxury tầm trung của mẫu B-SUV này. Tất nhiên, bản Deluxe tiêu chuẩn với mức giá 629 triệu đồng cũng tương đối hấp dẫn khi các trang bị tiện nghi và an toàn không khác nhiều so với bản Luxury. Thế nhưng “option” phanh tay điện tử tích hợp giữ phanh tự động là một chi tiết vô cùng thiết thực và tiện ích đối với một mẫu xe đô thị, ngoài ra việc có thêm lẫy chuyển số và màn hình hiển thị kính lái HUD cũng sẽ giúp trải nghiệm lái xe trở nên thú vị hơn.

Lan Châm