Kỷ nguyên xe điện và thách thức: Thiếu chip bán dẫn vẫn chưa là gì to tát

  • 12/07/2021 08:07

Ngành công nghiệp ô tô cũng như chính quyền Mỹ tại nhiệm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn chuyển giao từ sản xuất xe động cơ đốt trong sang phát triển và lắp ráp xe ô tô điện. Trong đó, tình trạng thiếu chip bán dẫn chỉ là khởi đầu nhẹ nhàng cho hàng loạt khó khăn sắp tới của quá trình điện hoá xe ô tô, một trong số đó chính là việc khai thác và xử lý đất hiếm.

Khai thác và chế biến đất hiếm

Khai thác và chế biến đất hiếm mới là thách thức thực sự trong quá trình điện hoá xe ô tô

Theo phân tích của Financial Times, để thực hiện việc điện hoá phương tiện giao thông, nước Mỹ cần phải lựa chọn giữa việc tăng năng lực khai thác, xử lý đất hiếm ngay tại quê nhà để cung cấp cho hoạt động sản xuất xe ô tô điện, hoặc mạo hiểm để mảng kinh doanh tiềm năng này rơi vào tay nhiều quốc gia khác. Việc tăng năng lực khai thác và xử lý đất hiếm đồng nghĩa với việc chấp nhận sống chung cùng bụi bẩn và ô nhiễm. Trong khi hoạt động khai thác địa chất sẽ tạo ra rất nhiều khói bụi, quá trình xử lý các loại đất hiếm đồng thời cũng tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân quanh khu vực có mỏ và nhà máy tiến hành các hoạt động này.

Nhà máy xử lý, chế biến đất hiếm

Nhà máy xử lý, chế biến đất hiếm

Hiện tại, dù không phải là nơi duy nhất trên thế giới có đất hiếm, thế nhưng Trung Quốc lại là nơi mà hoạt động khai thác và xử lý đất hiếm diễn ra mạnh nhất, đồng thời là nhà cung cấp lớn nhất thế giới các sản phẩm cần thiết cho sản xuất xe ô tô điện. Nói cách khác, ngành công nghiệp ô tô của nhiều quốc gia đang bị phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị gián đoạn nếu có thiên tai, bệnh dịch xảy ra tại quốc gia này, vấn đề phát sinh do đại dịch Covid-19 chính là ví dụ rõ ràng nhất.

Trên thực tế, nước Mỹ hoàn toàn nhận ra được vấn đề này, nhưng lại gặp khó khăn trong khâu giải quyết. Được biết, trong hơn một thập kỷ qua, giới chức Mỹ đã khuyến khích phát triển ngành công nghiệp khai mỏ trong nước, nhiều dự án khai mỏ lớn đã được khởi động, nhưng đến nay chỉ có duy nhất một mỏ khai thác đất hiếm đang hoạt động là Mountain Pass. Thêm vào đó, khoáng sản khai thác được từ khu mỏ này sẽ được gửi sang Trung Quốc để chế biến và xử lý vì Mỹ không có sẵn chuỗi cung ứng đầy đủ cho hoạt động này.

Theo tìm hiểu, mỏ Mountain Pass đã ngừng hoạt động do công ty chủ quản Molycorp đã phá sản vào năm 2015. Sau đó, công ty tư nhân MP Materials được "chống lưng" về tài chính bởi Bộ Quốc Phòng Mỹ đã tiếp quản và tiếp tục vận hành khu mỏ này. Tuy nhiên hoạt động xử lý chế biến đất hiếm vẫn phải thực hiện tại Trung Quốc. Rất có thể hoạt động khai thác đã đủ bụi bẩn nên Mỹ "từ chối" tham gia vào việc chế biến gây ô nhiễm này.

Mỏ đất hiếm

Mỏ đất hiếm

Ngoài ra, nhiều khả năng Mỹ đang nghiên cứu phương pháp chế biến, xử lý khác nhằm tạo nên một chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường hơn với trọng tâm là tái chế, tái sử dụng và nguyên liệu thay thế. Dù vậy, vẫn có một vấn đề là quá trình nghiên cứu và hoàn thiện kỹ thuật khai thác, chế biến khoáng sản mới luôn được xem là "nói thì dễ, làm mới khó". Bên cạnh đó tiến độ cuả hoạt động này cũng rất chậm, trong khi đó Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hoạt động chế biến, xử lý đấy hiếm nhằm cung ứng cho nhiều nhà sản xuất xe trong kỷ nguyên bùng nổ xe ô tô điện.

Nhìn chung, hoạt động khai thác, chế biến đất hiếm nhằm phục vụ cho quá trình sản xuất linh kiện cần thiết cho xe ô tô điện không phải là khó khăn của riêng nước Mỹ. Bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia vào chuỗi cung ứng này cần sớm tìm ra cách khai thác và xử lý tối ưu để có thể chủ động về nguồn cung, không bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, việc tham gia vào hoạt động này cũng có những đánh đổi bắt buộc liên quan đến vấn đề môi trường, điều mà nhân loại đang tập trung khắc phục và chuẩn bị cho tương lai.