Lái xe ban đêm, hiểm họa thường bị coi nhẹ

  • 30/07/2018 18:07

Thống kê cho thấy, đa phần những vụ tai nạn để lại nhiều đau thương cho gia đình nạn nhân thường diễn ra ở những trường hợp lái xe đêm. Điển hình là vụ tai nạn thảm khốc rạng sáng nay tại Quảng Nam đã khiến 13 người tử vong.

Cụ thể, một chiếc Mercedes-Benz MB140 16 chỗ chở đoàn rước dâu từ Quảng Trị trên đường tới Quảng Nam thì đâm trực diện vào một chiếc container lúc 2h30 sáng. Vụ tai nạn đã khiến 13 người trên tổng số 17 người thiệt mạng trong đó có chú rể. Theo lực lượng công an, nhận định ban đầu có thể là do tài xế di chuyển tốc độ cao, buồn ngủ và mất lái.

Tại sao lại lái xe ban đêm?

Đa phần người lái xe ban đêm thường là những tài xế xe tải, xe công tơ lớn tranh thủ chạy ban đêm để rút ngắn thời gian bởi đây là khoảng thời gian gần như không có các phương tiện khác đi lại trên đường.

Lái xe ban đêm, hiểm họa thường bị coi nhẹ

Tài xế lâu năm và cả lái mớ thường lựa chọn di chuyển ban đêm để có thể tiết kiệm thời gian

Cùng lý do đó, nhiều tài xế xe khách hoặc những cá nhân khác lựa chọn buổi đêm để thực hiện hành trình của mình. Nhưng được cái này thì mất cái kia, lái xe ban đêm có rất nhiều hiểm họa tuy nhiên đa phần lái xe lâu năm và cả lái mới chủ quan gạt bỏ, bởi ai cũng có cái suy nghĩ “mình đi chậm một chút, đèn xe sáng mà đâu có lo!”.

Nguyên nhân tai nạn khi lái xe ban đêm

Lý thuyết là vậy nhưng mấy ai có thể tuân thủ theo chủ đích ban đầu. Ban đêm các con đường vắng bóng các phương tiện đi lại và không có lực lượng công an kiểm soát tốc độ, các tài xe thường “mạnh dạn” tăng ga nhằm rút ngắn tiến độ.

Lái xe ban đêm, hiểm họa thường bị coi nhẹ

Lái xe ban đêm an toàn phụ thuộc 90% vào khả năng quan sát của người lái, đòi hỏi sự tập trung cao độ

Cũng chính vì tâm lý chủ quan đó mà người lái xe thường thiếu tập trung quan sát đường, chạy xe ở tốc độ cao và rủi ro bắt nguồn từ đó. Điều kiện đường xá ở Việt Nam, nơi khí hậu nhiệt đới thường xuyên xảy ra mưa hiển nhiên không thể êm mượt, láng mịn như ở nước ngoài. Thử tưởng tượng, xe chạy tốc độ cao bất ngờ gặp một tảng đá hay một ổ gà hơi oái oăm thì hậu quả sẽ như thế nào?

Lái xe ban đêm, hiểm họa thường bị coi nhẹ

Đèn pha của xe đối diện có thể gây lóa, tăng độ buồn ngủ và hạn chế khả năng quan sát của tài xế

Nguyên nhân xảy ra tai nạn tiếp theo thường đến từ sự thiếu tập trung của người lái xe. Chạy xe đường dài là việc tiêu tốn cực kì nhiều nơ-ron thần kinh. Thậm chí đến cả việc lái xe ban ngày còn dễ khiến người điều khiển buồn ngủ chứ đừng nói là lái xe buổi tối. Chưa kể đến việc, khi gặp xe công đi ngược chiều, ánh đèn pha siêu sáng sẽ khiến người nhìn theo bản năng khép hờ lại và cơn buồn ngủ sẽ càng dữ dội hơn. Đồng thời, ánh đèn pha của xe đối diện sẽ hạn chế rất nhiều tầm nhìn của người lái từ đó có thể xảy ra tai nạn.

>>> 5 điều cần làm khi lái xe qua đoạn đường ngập nước

Kinh nghiệm lái xe ban đêm

Để đảm bảo an toàn, người điều khiển không chỉ cần có  kỹ năng lái xe ban đêm tốt mà còn phải giữ cho mình sức khỏe, sự tỉnh táo và kiểm tra xe trước khi khởi hành. Bên cạnh đó, bạn cũng lưu ý những điều sau: 

Nắm rõ cung đường và lộ trình di chuyển

Trời tối rất khó quan sát, việc xác định rõ tuyến đường sẽ hỗ trợ rất nhiều cho lái xe, không chỉ tránh tình huống đi sai đường mà còn biết được những đoạn cần lái chậm, đi cẩn thận,...

Nếu bạn chưa lái ô tô ban đêm trên cung đường đó bao giờ thì hãy tìm hiểu trước, đồng thời nhờ vào sự hỗ trợ từ hệ thống bản đồ dẫn đường. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống dẫn đường trên màn hình trung tâm thì người lái cũng cần chú ý không để màn hình quá sáng gây chói mắt, có thể dừng xe lại để dễ dàng quan sát, tránh rủi ro. Không sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe.

Chú ý tốc độ 

Lái xe ban đêm luôn tiềm ẩn nhiều sự cố bất ngờ, tầm nhìn lại hạn chế nên việc lái xe với vận tốc vừa phải sẽ giúp bạn kiểm soát được tình huống tốt hơn. Nhiều lái xe chủ quan, thấy đường vắng thì chạy tốc độ nhanh, điều này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thương tâm.

Bên cạnh đó, chủ xe cần giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, không cố vượt, đi đúng làn đường của mình. Trong điều kiện đường trơn, mưa lớn thì tài xế nên đi chậm, kích hoạt cần gạt mưa và sấy kính để quan sát tốt, di chuyển với tốc độ phù hợp, hạn chế phanh đột ngột. 

Điều chỉnh đèn pha - cốt hợp lý

Khi lái xe trong khu đô thị, đông dân cư thì chủ phương tiện cần để chế độ đèn cốt (chiếu gần) và chỉ sử dụng đèn pha trên đoạn đường vắng, ít xe cộ và không có xe đi ngược chiều.

Tại đoạn đường có dải phân cách, vạch kẻ liền/ đứt thì chuyển chế độ đèn pha về cốt để không làm chói mắt người đi ngược chiều. Trường hợp muốn vượt thì phải ra tín hiệu xin đường. Nếu không có xe đi ngược chiều, trước khi vào cua, lái xe có thể bật đèn pha để góc quan sát được rộng hơn.

Nếu có xe đối diện bật đèn pha thì bạn không nên nhìn trực diện, tránh bị lóa mắt, hoa mắt. Nhiều tài xế chia sẻ, sử dụng  kính lái xe ban đêm đem lại hiệu quả tốt, giảm độ chói và lóa mắt. 

Lái xe ban đêm đòi hỏi tài xế phải tập trung cao độ, luôn quan sát và giữ tinh thần tỉnh táo, bình tĩnh làm chủ tốc độ. Để giảm thiểu tối đa những rủi ro, trước hết, các bác tài cần có sức khỏe tốt, không uống rượu bia, tiếp đến là kiểm tra xe của mình đảm bảo rằng các bộ phận vẫn hoạt động tốt, nhất là hệ thống đèn.