Lịch sử Toyota Supra: Liệu thời hoàng kim đã qua?

  • 02/07/2021 23:07
Hãy cùng nhìn lại cuộc đời của chiếc JDM "Vua" để có cái nhìn khách quan về ngôi vương này, và cùng suy nghĩ liệu Supra có còn khiến người ta phải há hốc và thốt lên câu "Is that a Supra?" hay không.

A40-A50 Celica Supra (MkI), 1978-1981


Chỉ có điều nó không được gọi chính thức là Supra, mà là Celica XX vì cơ bản, Supra lúc đó là một chiếc Celica sáu xi-lanh. Để đưa động cơ lớn hơn của Supra vào chiếc Celica nhỏ hơn, Toyota đã kéo dài chiều dài cơ sở thêm 5,1 inch và tạo cho phần đầu xe một thiết kế khác biệt. 


Đến năm 1979, Chiếc xe đã được bán ra thị trường thế giới với tên gọi Celica Supra. Dưới nắp ca-pô là động cơ I6 2,6 lít  sản sinh 110 mã lực.  Hộp số sàn năm cấp là tiêu chuẩn và hộp số tự động bốn cấp là tùy chọn. Từ 0 đến 96 km/h mất hơn 10 giây. Khi vòng đời của chếc Celica Supra thế hệ đầu tiên chuẩn bị kết thúc, động cơ chuyển sang I6 2,8 lít, sản sinh công suất 116 mã lực.

A60 Celica Supra (MkII), 1982-1985


Ra mắt vào năm 1982, A60 sử hữu trục cơ sở dài hơn và ngoại hình thể thao với kiểu đèn pha "pop-up" của những năm 1980, cùng động cơ twin-cam I6 2.8 lít sản sinh 145 mã lực. Những chiếc A60 xuất khẩu tại thị trường Anh vào năm 1984 được trang bị động cơ 12v 2.8 168 mã lực và tùy chọn hộp số sàn hoặc hộp số tự động. Từ 0 đến 96km/h mất 8,7 giây. Supra Mk2 vẫn giống một chiếc GT hơn là một chiếc xe thể thao nhưng Per Eklund đã giành được chức vô địch British Rally Championship một loạt thành công khác tại giải WRC.

A70 Supra (MkIII), 1986-1993


Từ đây, Supra thế hệ thứ ba chính thức bỏ tên Celica. Hai chiếc xe không còn liên quan với nhau, với Celica 4 xi-lanh nhỏ hơn chuyển sang dẫn động cầu trước, trong khi Supra vẫn dẫn động cầu sau. Mặc dù nặng hơn so với phiên bản tiền nhiệm, nhưng chiếc A70 vẫn tự hào với động cơ 3.0 lít hút khí tự nhiên mới với 200 mã lực.


Tại thị trường châu Âu, A70 có các tùy chọn kiểu dáng coupe hoặc Targa kèm theo động cơ hút khí tự nhiên 7M-GE 3.0 24v I6 sản sinh 200 mã lực, đưa chiếc xe tăng tốc lên 96km/h trong 7,9 giây. Công nghệ tiên tiến được tích hợp bao gồm các bộ giảm chấn thích ứng tùy chọn gắn với hệ thống treo xương đòn kép hoàn toàn bằng nhôm. 


Năm 1987, Toyota ra mắt mẫu Supra Turbo thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Nhờ việc bổ sung bộ tăng áp, Supra Turbo sở hữu công suất 230 mã lực và mô-men xoắn 246 lb-ft — tăng 30 mã lực và 61 lb-ft so với bản thường. Động cơ bổ sung giúp Supra Turbo tăng tốc lên 96km/h trong 6,4 giây, nhanh hơn 1,6 giây so với Supra hút khí tự nhiên. Về sau bản Twin Turbo R ra mắt thậm chí còn nhanh và mạnh hơn nữa với động cơ 2.5 1JZ-GTE - tiền thân của 2JZ huyền thoại - sản sinh 280 mã lực. Tuy nhiên, thành công trong môn đua xe thể thao đối với Mk3 là rất ít, điểm nổi bật là vị trí đầu tiên trong Giải vô địch Úc năm 89.

A80 Supra (MkIV), 1993-2002


Supra cuối cùng đã rũ bỏ hình ảnh của một chiếc GT để trở thành một chiếc xe thể thao đúng nghĩa. Không giống như đối thủ R32 GT-R của Nissan, Supra một lần nữa kết hợp với hệ dẫn động cầu sau nhưng có kiểu dáng mới mượt mà hơn vay mượn từ chiếc 2000GT cổ điển của Toyota, sử dụng nhiều chất lượng nhôm để cắt giảm trọng lượng, một cánh gió khổng lồ ở đuôi xe cùng động cơ 2JZ dưới nắp ca-pô lần đầu tiên xuất hiện trên chiếc xe huyền thoại này.


Những chiếc MkIV tiêu chuẩn sở hữu động cơ 3.0 6 xy-lanh tạo ra 220 mã lực, nhưng các mẫu Turbo (mẫu xe duy nhất chỉ cung cấp ở Anh và có thể nhận biết bằng nắp ca-pô có hốc hút gió) tạo ra công suất lên tới 320 mã lực. Hoạt động tuần tự, thay vì song song như trên mẫu Twin Turbo R cũ, hai tuabin giúp biến phiên bản Supra này chỉ mất 4,6 giây từ 0-96km/h, vượt xa Chevrolet Corvette, Mazda RX-7, Mitsubishi 3000GT VR4, Nissan 300ZX Turbo và Porsche 968.


Tuy nhiên, Supra Turbo đã đánh mất ngôi vương trong cuộc thử nghiệm vào tháng 8 năm 1997, khi nó bị đánh bại bởi BMW M3. Mặc dù xếp thứ ba (sau một chiếc Chevrolet Corvette 1997 về thứ 2), Supra Turbo thể hiện tính năng động tiếp tục gây ấn tượng mạnh. Đáng buồn thay, những lời khen ngợi của giới truyền thông và việc giảm giá xuất xưởng không thể đảo ngược doanh số bán hàng bị đình trệ của Supra. Toyota loại bỏ Supra ở Mỹ, và năm 1998 đánh dấu năm cuối cùng của doanh số bán hàng tại Mỹ. Trước đó, doanh số bán hàng ở Anh kết thúc vào năm 1996. Nhưng Supra tiếp tục tồn tại ở Nhật Bản cho đến năm 2002 và trong văn hóa đại chúng nhiều năm sau đó nhờ xuất hiện trong phim Fast and the Furious, game Gran Turismo và Need for Speed ​.

A90 Supra (MkV), 2019 - Hiện tại


Supra được cho là không được phát triển nữa đã làm người hâm mộ dòng xe này dường như thất vọng vô cùng. Tuy nhiên, một tia sáng hy vọng đã được thắp lên khi Toyota mang đến triển lãm ô tô Detroit 2014 một mẫu concept xe thể thao được đặt tên là FT-1, có hình dạng được cho là lấy nguồn cảm hứng từ Supra MkIV. Sau đó, xuất hiện những lời đồn đoán rằng Supra sẽ quay trở lại trong thời gian không xa. Sau đó, vào giữa năm 2017, Toyota đăng ký nhãn hiệu cho tên Supra với Văn phòng Nhãn hiệu và Sáng chế Hoa Kỳ. Vậy là, sau gần hai thập kỷ, Toyota đã sẵn sàng đưa chiếc coupe thể thao sáu xi-lanh trở lại. 


Supra MkV ra mắt tại triển lãm ô tô Detroit 2019, dựa trên nền tảng của chiếc Z4 roadster mới của BMW, nhưng được khoác lên mình một ngoại hình sắc cạnh hơn dựa trên chiếc FT-1 concept năm 2014. A90 dài hơn, thấp hơn và rộng hơn so với GT86 của Toyota, nhưng lại nằm trên chiều dài cơ sở ngắn hơn, giúp chiếc xe có thể hoạt động linh hoạt trên mọi con đường.

Điều đáng tiếc nhất là thay vì 2JZ  huyền thoại, MkV sở hữu động cơ 3.0 lít I6 tăng áp của Munich và hộp số tự động 8 cấp nguồn gốc ZF sản sinh 335 mã lực, mặc dù động cơ BMW có thể hỗ trợ công suất nhiều hơn một chút. 

Liêu có còn giữ được ngôi vương?

Khi Supra mới ra mắt, những lời chỉ trích phổ biến nhất về nó bởi "Supra đã không còn là Supra nữa, mà chỉ là một chiếc Z4 mà thôi." Thậm chí, những đối thủ "truyền kiếp" của Supra là Nissan GT-R và Acura NSX cũng sở hữu động cơ mạnh hơn rất nhiều so với Supra với chỉ số lần lượt là 600 mã lực và 573 mã lực, trở thành siêu xe thay vì chỉ dừng ở mức "xe hiệu suất cao" như Supra. Với cái nhìn khách quan, đa số cho rằng Supra thực sự đã đánh mất ngôi vương của chính mình, chỉ là Toyota đã biến chiếc xe thể thao hàng đầu của mình trở nên hiện đại hơn mà thôi. Những điều tạo nên một Supra huyền thoại đã không còn, giờ chỉ còn danh tiếng cùng những thành tựu trong thời hoàng kim trước đây mới có thể giúp chiếc MkV phổ biến rộng rãi như hiện tại.


Không hề phủ nhận những cải tiến vượt bậc mà Toyota mang lại cho chiếc A90, nhưng như vậy là chưa đủ đối với nhiều người hâm mộ để xứng với hai chữ huyền thoại mà A80 đã làm được. Nguyên nhân khách quan có thể là do thời hoàng kim của những chiếc xe thể thao hiệu suất cao của Nhật đã qua, còn nguyên nhân chủ quan là có thể Toyota cũng không có ý muốn đưa Supra trở lại đường đua cùng với các đối thủ khác bởi lý do kinh tế hoặc mục tiêu chiến lược dài hạn,... Tuy nhiên dù thế nào di chăng nữa việc đưa Supra "hồi sinh" của Toyota cũng đủ để làm người hâm mộ vui mừng và hy vọng trong tương lai sẽ được chứng kiến thêm nhiều thế hệ Supra hơn nữa.