“Phổ cập hoá” xong xe điện với Taycan, Porsche đang chinh phục nhiệm vụ khả thi mới với Mission R

  • 07/09/2021 11:09

Mẫu concept Porsche Mission R vừa ra mắt tại triển lãm IAA Munich đem tới tầm nhìn về xe đua hiệu năng cao, cũng như một chiếc xe điện thể thao dân dụng từ hãng trong tương lai.

Nhìn thấy trước tương lai điện hoá, Porsche đã bắt đầu định hình lại quan niệm của các khách hàng truyền thống của mình bằng mẫu xe ý tưởng Mission E năm 2015. Sau đó mất tới 4 năm, cuối cùng thì Mission E cũng được đưa vào sản xuất dưới cái tên Taycan. Như chúng ta đã biết, Taycan hiện là một thành công của Porsche, chính vì vậy về cơ bản quá trình "phổ cập hoá" bước đầu động cơ điện của hãng cũng đã thành công. Nhưng để chinh phục những fan xe thể thao, hãng cần phải cố gắng hơn nữa - đó là lý do mẫu xe ý tưởng Porsche Mission R đã được ra mắt tại triển lãm IAA Munich.



Với Mission R, Porsche sẽ bước vào một nhiệm vụ mới, đó là chứng minh sự hiệu quả và cảm giác lái thể thao của một mẫu xe điện sẽ xứng đáng với các giá trị đã làm nên tên tuổi của hãng trong nhiều năm qua - đặc biệt trên đường đua. Đó là lý do nó có cấu hình ấn tượng ngay cả khi so với siêu xe. Sẽ có 2 động cơ được trang bị cho Mission R: chiếc phía trước có công suất 435PS và phía sau đạt tới 653PS, cộng lại cho tổng công suất lên tới 1.100PS.

Nhưng một trong những "gót chân Achilles" của những chiếc xe điện đó là công suất sẽ bị tụt mạnh nếu các mô-tơ quá nóng. Chính vì vậy khi trong những chặng đua chính, con số 1.100 sẽ được giảm xuống chỉ còn 680PS, và các động cơ điện được trang bị hệ thống tản nhiệt dầu. Đó cũng là lý do vì sau tốc độ tối đa của Mission E cũng "chỉ" đạt 300km/h - con số mà nhiều chiếc xe thể thao ngày nay cũng đạt được. Nhưng hành trình tới tốc độ tối đa đó diễn ra một cách nhanh chóng khi thời gian tăng tốc 0-100km/h của Mission E chỉ diễn ra trong vòng chưa tới 2,5 giây.

Là một chiếc xe đua, Mission R không cần phải chạy được tới gần cả 1.000km mỗi lần sạc điện. Chính vì vậy bộ pin của chiếc xe được thiết kế chỉ đủ cho nó chạy trong 30 phút. Nhưng với công nghệ sạc Turbo Charge nguồn 900V, thời gian sạc pin từ 5-80% chỉ diễn ra trong vòng 15 phút. Sạc dòng cao như vậy cũng khiến pin nhanh nóng lên - chưa kể nó phải cung cấp năng lượng cho động cơ điện mạnh mẽ hoạt động ở cường độ cao. Chính vì vậy cũng giống như mô-tơ, hệ thống pin của Mission R cũng được làm mát bằng dầu.

Ngoài ý tưởng về hệ động lực điện "xanh" và sáng tạo, thân xe cũng tập trung vào việc giảm thiểu CO2 và tính bền vững: phần lớn vỏ của Mission R được làm bằng nhựa gia cố sợi tự nhiên (NFRP). Vật liệu này cơ bản được làm từ sợi lanh thu được từ nghề nông. Các lớp vải lanh sẽ được dính với nhau nhờ keo epoxy trên một khuôn đúc sẵn. Vật liệu sinh thái này cũng được sử dụng cho cánh gió trước, bộ khuếch tán và các nẹp bên. NFRP được sử dụng nhiều trong nội thất của Mission R, chẳng hạn như các tấm ốp bên trong cửa, vách ngăn phía sau và khung lưng ghế ngồi xe.

Là một chiếc xe đua, thiết kế nội thất của Mission R "trần trụi" và tập trung về mọi mặt vào người lái. Một màn hình được giữa các nút điều khiển trên vô lăng hiển thị dữ liệu liên quan trong suốt cuộc đua. Màn hình phía trên cột lái hiển thị hình ảnh từ camera quan sát phía sau. Một màn hình cảm ứng ở bên phải ghế ngồi có thể được sử dụng để theo dõi dữ liệu sinh trắc học của tay đua khi thi đấu. Nhiều camera khác trong nội thất có thể được sử dụng để cung cấp các chuỗi hình ảnh thú vị cho quá trình truyền phát trực tiếp.

Trong thời kỳ giãn cách xã hội, những giải đua có thể được tổ chức theo các "format" từ xa và Porsche cũng đang chứng minh điều đó với giải đấu online tại khu vực châu Á. Nhưng với Mission R, hãng sẽ còn đưa đường đua thực và ảo tới gần nhau hơn nữa. Khoang lái bao quanh một cấu trúc nguyên khối với thiết kế giống y hệt một buồng giả lập đua xe của môn thể thao điện tử. Mô-đun trình điều khiển liền khối có hình thức giống hệt như một mô-đun thể thao điện tử. Cấu trúc an toàn làm bằng vật liệu composite sợi carbon kết hợp khả năng bảo vệ cao cho người lái với trọng lượng thấp và vẻ ngoài đặc biệt.

Các kỹ sư và nhà thiết kế của Porsche đã đặt tên cho cấu trúc mái carbon mới phát triển là "bộ xương ngoài". Nó là sự tổng hoà giữa khung chống va đập của những chiếc xe đua truyền thống và phần mui. Với chiều dài 4.326 mm, Porsche Mission R ngắn hơn một chút so với dòng 718 Cayman hiện tại, nhưng nó lại rộng hơn đáng kể với 1.990mm và chiều cao bên ngoài 1.190mm cũng thấp hơn đáng kể.

Và nếu bỏ qua những chiếc cánh gió dữ dằn, chúng ta sẽ có hình dáng của một mẫu xe thể thao động cơ đặt giữa với trục cơ sở cùng phần đầu và đuôi ngắn, khá giống với dòng Cayman hiện tại. Liệu Mission R có phải là bản xem trước của Cayman thế hệ mới chạy điện toàn phần? Khả năng này rất dễ xảy ra vì theo ông Michel Mauer - Giám đốc thiết kế của Porsche, nó "gợi ý về một mẫu xe sản xuất thương mại trong tương lai.

Nếu áp dụng những mốc thời gian tương tự như hãng đã từng làm với Mission E, có thể dự đoán Cayman chạy điện thế hệ mới với thiết kế lấy cảm hứng từ Mission R sẽ ra mắt vào năm 2025.

Nguồn: Xe Đời Sống