Sản xuất bị ngưng trệ vì thiếu chip bán dẫn, các showroom ô tô hết cả xe trưng bày

  • 25/06/2021 00:06

Cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung ứng tại thị trường ô tô Trung Quốc và chưa có hiệu giảm bớt. Nguồn cung giảm mạnh khiến các đại lý ô tô ở một số khu vực của Trung Quốc thậm chí còn không có xe để lấp đầy showroom trưng bày.

Tình trạng thiếu chip bán dẫn - linh kiện điện tử đã trở nên sống còn với những chiếc ô tô ngày càng thông minh hiện nay - đang ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất xe hơi trên toàn thế giới. Điều này khiến hàng loạt các hãng ô tô phải tạm ngưng hoạt động sản xuất.

Có thể nhìn thấy rõ hậu quả của cuộc khủng hoảng này tại các đại lý ô tô ở Trung Quốc. Chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc tiếp nhận ô tô điện và xe hybrid, hay gọi chung là xe năng lượng mới (NEV), tại Trung Quốc đã bị cản trở vì tình trạng thiếu chip bán dẫn.

Ghé thăm một showroom bán xe Mercedes-Benz ở khu vực trung tâm thủ đô Bắc Kinh, nơi có không gian trưng bày cực rộng và được bao quanh bằng những cửa hàng cao cấp, sang trọng khác, phóng viên tờ South China Morning Post chỉ thấy có đúng một mẫu xe. Trước đó, showroom này từng trưng bày chật kín những chiếc SUV chạy điện Mercedes-Benz EQC mới.

Chiếc Mercedes-Benz EQC được trưng bày tại Hàn Quốc

Chiếc Mercedes-Benz EQC trong ảnh được trưng bày tại Hàn Quốc. Showroom Mercedes-Benz tại Bắc Kinh từng đầy ắp những chiếc xe như thế này trước khi cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu tới.

"Những chiếc xe trưng bày khác đều đã được chọn và bán hết rồi", nhân viên đại lý họ Yu, nói với phóng viên. "Từ nay đến thời gian sắp tới, bạn sẽ không thể mua được 1 chiếc xe Mercedes-Benz mới nào tại Bắc Kinh đâu... Công ty đã cắt bớt xe vì thiếu chip rồi".

Cũng theo nhân viên này, vào thời điểm khi mọi bộ phận cần thiết đều có sẵn, một chiếc SUV chạy hoàn toàn bằng điện của Mercedes-Benz có thể được lắp ráp tại Bắc Kinh và giao cho khách trong thời gian chỉ 10 ngày. Tuy nhiên, bây giờ thì phải mất ít nhất 2 tháng.

Các hãng ô tô truyền thống đang phải chống chọi với tình trạng chiếu chip bán dẫn vì họ phần lớn đều không tính đến việc nguồn cung bất ngờ bị thu hẹp lại. Khi các công ty tiếp tục bổ sung những tính năng công nghệ cao như giải trí và hệ thống lái tự động cho xe, ngành ô tô càng sử dụng nhiều chip bán dẫn hơn bao giờ hết. Một thương hiệu cao cấp có thể cần đến hơn 3.000 con chip chỉ cho một chiếc ô tô. Nếu thiếu 1 chip thôi, chiếc ô tô đó cũng không hoàn thiện được.

Theo dữ liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), trong tháng 5/2021 vừa qua, sản lượng ô tô tại nước này đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,04 triệu xe. Trong khi đó, lượng xe bán ra ở thị trường này giảm 3,1% xuống còn 2,12 triệu chiếc.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, sản lượng xe năng lượng mới tại Trung Quốc đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 217.000 chiếc trong khi doanh số tăng đến 160%. Theo MIIT, trong tháng 5/2021, doanh số của xe năng lượng mới đã gần đuổi kịp sản lượng.

So với các hãng xe nước ngoài, những công ty ô tô nội địa của Trung Quốc ít bị ảnh hưởng vì thiếu chip bán dẫn hơn, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Một nhân viên bán hàng tại showroom Marvel R - thương hiệu ô tô điện trực thuộc hãng xe quốc doanh SAIC - cho biết dòng SUV mới của họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu vì "doanh số không cao". Sau khi đặt mua, khách hàng có thể nhận chiếc Marvel R của mình trong thời gian khoảng 2 tuần.

Bắt đầu từ nửa cuối năm ngoái, cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu ước tính khiến sản lượng ô tô thế giới giảm đến 3,8 triệu chiếc, tương đương 5% tổng doanh số ước tính của cả năm 2021, theo dữ liệu của công ty Fitch Ratings. Để đối mặt với tình trạng này, các công ty ô tô đang ưu tiên những mẫu xe sinh lời nhiều nhất của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua.

Trong báo cáo vào tháng trước, công ty nghiên cứu công nghệ Gartner cho biết tình trạng thiếu chip bán dẫn có thể kéo dài đến quý II năm sau. Hiện nay, cuộc khủng hoảng thiếu chip bán dẫn đang lan rộng trong ngành ô tô thế giới. Tại Trung Quốc, những mẫu xe lắp ráp nội địa bán chạy nhất cũng phải mất 1 tháng mới đến được tay người mua. Đây là thông tin do một người hiện đang làm việc tại một trong những hãng ô tô lớn nhất Trung Quốc đưa ra. Theo vị này, các nhà cung cấp linh phụ kiện và nhà sản xuất trang thiết bị đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm cách gỡ rối bằng cách giao nhiệm vụ tập hợp thông tin cung - cầu cho MIIT để giúp các nhà máy sản xuất ô tô tại nước này liên thủ với hãng sản xuất chip.