So sánh ưu nhược điểm của xe lắp ráp nội địa và xe nhập khẩu nguyên chiếc

  • 17/10/2017 00:10

Tính riêng trong tháng 9 vừa qua, chỉ xét xuất xứ xe tại thị trường Việt thì dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt doanh số 6.477 xe và xe lắp ráp nội địa đạt doanh số 14.739 xe. Hãy cùng đọc bải viết dưới đây để tìm hiểu ưu nhược điểm riêng của từng dòng xe này.

I. Ưu nhược điểm của xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU)

1. Ưu điểm của xe ô tô nhập khẩu

Xe nhập khẩu nguyên BMW 218i

Mẫu BMW 218i nhập khẩu nguyên chiếc trên thị trường

Người tiêu dùng trong nước thường có tâm lý “sính ngoại”. Điều này cũng không loại trừ trong lĩnh vực xe hơi. Khách hàng Việt thường ưu chuộng các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc hơn là xe lắp ráp nội địa. Theo đánh giá của nhiều người, những mẫu xe nhập khẩu đảm bảo chất lượng và an toàn hơn so với xe lắp ráp trong nước do chúng được sản xuất trên dây truyền công nghệ tiên tiến và được kiểm tra nghiêm ngặt ở tất cả các khâu.

Không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà tại các quốc gia khác, người dân cũng ưa thích những mẫu xe nhập khẩu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản… hơn. Những người từng sở hữu xe nhập khẩu đều yêu thích và hài lòng với các ưu điểm khung gầm chắc chắn, thiết kế đẹp, cảm giác lái tốt và độ an toàn cao…

•    Ô tô nhập khẩu sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế

Các mẫu xe nhập khẩu đều được sản xuất theo công nghệ hiện đại, tiên tiến tại các quốc gia hàng đầu ngành công nghiệp ô tô như Mỹ, Đức, Nhật, Anh… Do đó, những mẫu xe này phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, cho khả năng vận hành tốt, mang lại cho khách hàng sự an tâm khi sử dụng. Những mẫu ô tô từ bình dân đến sang trọng, từ Toyota Yaris đến Range Rover… được nhập khẩu đều phải tuân theo quy trình lắp ráp nghiêm ngặt từ khâu thiết kế, chọn nguyên vật liệu, chế tạo, lắp ráp đến khi ra khỏi nhà máy.

Theo kinh nghiệm mua bán ô tô của những người sành sỏi thì độ chính xác của các mối hàn, lắp động cơ, dập khung các chi tiết của xe nhập khẩu đều được đảm bảo độ chính xác cao do được thực hiện bằng robot. Thậm chí, để chống lại các tác nhân từ môi trường, các chi tiết nhỏ như zoăng cửa, lót trần… đều được làm hết sức tỉ mỉ.

•    Ô tô nhập khẩu có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cao

Nhiều ý kiến cho rằng xe nhập khẩu được kiểm soát các khâu chặt chẽ hơn xe lắp ráp tại Việt Nam. Do đó, so với xe lắp ráp nội địa, xe ô tô nhập khẩu vượt trội hơn về chất lượng, mẫu mã và cả độ an toàn.

•    Thiết kế của ô tô nhập khẩu bắt mắt, thời thượng

So với xe lắp ráp nội địa, đa số các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc đều có thiết kế nhỉnh hơn về thanh lịch, sang trọng và hiện đại. Người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn màu sắc, kiểu dáng đa dạng hơn.

Bên cạnh đó, độ bền sơn ngoại thất cũng là một trong những lý do người tiêu dùng yêu thích dòng xe nhập. Những chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức, Mỹ, Nhật… thường có độ bền sơn ngoại thất được đánh giá cao. Dù có những xe đã sử dụng từ 5-7 năm nhưng lớp sơn bên ngoài vẫn không bị ngả màu, vẫn giữ được độ sáng bóng, điều mà các mẫu xe lắp ráp nội địa có vẻ vẫn chưa thực sự làm tốt.

•    Nội thất của xe ô tô nhập khẩu cao cấp, tiện nghi

Dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc còn sở hữu một ưu điểm vượt trội khác là trang bị nội thất hiện đại và tiện nghi hơn xe nội. Thiết kế khoang cabin của xe thường tinh tế, hài hòa với các tiện tích đa dạng, ghế bọc da cao cấp… giúp người sử dụng dễ chịu, thoải mái và có không gian riêng tư khi sử dụng.

► Xem thêmChờ xả hàng tồn, nhập khẩu ô tô ở Việt Nam ngưng trệ

2. Nhược điểm của xe ô tô nhập khẩu

Một chiếc xe nhập khẩu dù cùng thương hiệu, cùng dòng xe nhưng thường có giá cao hơn một mẫu xe lắp ráp nội địa. Sự chênh lệch này có thể lý giải là do dòng xe nhập khẩu phải chịu thêm một khoản thuế xuất nhập khẩu khá cao.

Ngoài ra, những chủ xe sở hữu xe nhập khẩu đôi khi sẽ gặp chút khó khăn trong việc bảo dưỡng, bảo hành và khó chọn được địa chỉ bảo hành, bảo dưỡng liên kết tin cậy.

II. Ưu nhược điểm của xe lắp ráp nội địa

1. Ưu điểm của xe ô tô lắp ráp nội địa

Mẫu Mazda CX-5 lắp ráp nội địa

Mẫu Mazda CX-5 lắp ráp nội địa

•    Chất lượng xe ô tô lắp ráp nội địa ngày càng được nâng cao

Nhiều người luôn cho rằng xe nhập khẩu có chất lượng tốt hơn xe lắp ráp nội địa. Tuy nhiên, sự thật có như vậy hay không thì còn cần phải bàn lại. Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô ngày càng được chú trọng và đầu tư, chất lượng của dòng xe lắp ráp trong nước cũng ngày càng cải thiện, không hề kém cạnh khi đặt bên xe nhập khẩu.

•    Giá xe ô tô lắp ráp nội địa rẻ hơn

Ưu điểm đầu tiên và chính là ưu điểm cạnh tranh lớn nhất của dòng xe lắp ráp nội địa là giá cả thấp hơn so với dòng xe nhập khẩu, tùy từng loại xe mà thấp hơn từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Chính vì lý do này mà doanh số của dòng xe lắp ráp nội địa cũng thường cao hơn so với xe nhập khẩu. Đối với nhiều người có nguồn tài chính không quá dư dả thì việc mua một chiếc xe lắp ráp trong nước sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế rất nhiều.

•    Chế độ bảo hành và bảo dưỡng của xe ô tô lắp ráp nội địa thuận lợi

Không giống như dòng xe nhập khẩu, nếu lựa chọn dòng xe lắp ráp trong nước, chủ xe sẽ không cần quá lo lắng về chế độ bảo hành, bảo dưỡng hậu mãi. Vì được lắp ráp trong nước nên dòng xe này cũng sẽ có chuỗi địa điểm bảo hành bảo dưỡng phổ biến khắp cả nước, rất thuận tiện cho khách hàng. Đây cũng là ưu điểm cạnh tranh không cần bàn cãi của dòng xe này.

► Xem thêm: Hyundai Grand i10 lắp ráp trong nước khác gì so với phiên bản nhập khẩu?

2. Nhược điểm của xe ô tô lắp ráp nội địa

Tuy nhiên, dòng xe lắp ráp nội địa vẫn tồn tại nhiều điểm yếu như các tính năng không hiện đại bằng hay không sở hữu nhiều option bằng dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Ngoài ra, trình độ công nhân, kỹ thuật, tiêu chuẩn lắp ráp còn hạn chế nên công nghệ, chất lượng động cơ xe lắp ráp đôi khi còn chưa thể sánh bằng dòng xe nhập khẩu. Xét một cách tỉ mẩn thì hệ thống động cơ, khung gầm, nước sơn ngoại thất hay các chi tiết nội thất… của dòng xe lắp ráp còn chưa bền chắc giống như dòng xe nhập.

Bên cạnh đó, người sử dụng xe lắp ráp nội địa đôi khi còn gặp trường hợp hệ thống điện hoạt động kém ổn định hay hệ thống an toàn không đầy đủ… dẫn đến nhiều người đánh giá xe lắp ráp nội địa còn chưa tốt.

III. Chọn xe lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU)?

So với các nước phát triển có ngành công nghiệp ô tô đi trước và tiên tiến hơn thì công nghệ sản xuất xe hơi tại Việt Nam còn có phần lạc hậu và kém xa. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc xe lắp ráp nội địa không nên được lựa chọn và có chất lượng kém xa xe nhập khẩu. Nếu không đề cập đến những tiêu chuẩn cao như độ bền dài lâu, ngoại thất bóng bẩy, nhiều tùy chọn hiện đại… thì các mẫu xe lắp ráp nội địa vẫn đáp ứng được những nhu cầu sử dụng tối thiểu của khách hàng, đồng thời mang đến sự thoải mái trong công việc và cuộc sống.

Các nhà sản xuất và lắp ráp xe nội địa nhờ những chính sách ưu đãi lớn hiện nay đã đầu tư nhiều vào công nghệ cũng như quy trình lắp ráp để sản xuất những chiếc ô tô có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người sử dụng. Điều này đã khiến dòng xe lắp ráp nội địa dần lấy lại được hình ảnh, được khách hàng tin tưởng và đạt được thành công hơn nữa trên thị trường.

Dù là xe nhập khẩu hay xe lắp ráp nội địa, các cụ đã có câu “của bền tại người”, do đó việc chiếc xe của bạn có bền bỉ hay vẫn còn vẻ ngoài bóng bẩy theo thời gian hay không thì phần lớn là do việc bảo dưỡng, bảo trì xe tốt trong quá trình sử dụng.

Tùy thuộc và điều kiện kinh tế cũng như mục đích sử dụng, bạn có thể chọn cho mình một chiếc xe nhập khẩu hoặc lắp ráp nội địa tốt nhất cho bản thân và gia đình.