Tìm hiểu "tất tần tật" các thông tin về thay đổi kết cấu xe để tránh bị phạt đến 16 triệu đồng

  • 19/09/2020 16:09

Việc người dùng độ lại hay thay đổi kết cấu xe cho ô tô và xe máy để đẹp hơn hoặc ấn tượng hơn đã không còn lạ tại Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ không phải ai cũng biết rằng mình có thể bị phạt nếu thay đổi kết cấu xe. Trong bài viết dưới đây, Tinxe.vn sẽ giúp các bạn trả lời những câu hỏi như "Thay đổi kết cấu xe là gì?", "Thay đổi kết cấu xe bị phạt bao nhiêu" hay "Thủ tục xin thay đổi kết cấu xe máy".

Thay đổi kết cấu xe là gì?

Khoản 2 Điều 55 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: "Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".

Tuy nhiên, quy định lại không giải thích rõ thế nào là thay đổi kết cấu xe và thay đổi như thế nào thì vi phạm Khoản 2 Điều 55 kể trên. Vì vậy, để biết liệu bạn có bị phạt vì mắc lỗi thay đổi kết cấu xe hay không, bạn nên tham khảo quy định xử phạt đối với các vi phạm cụ thể.

Thay đổi kết cấu xe bị phạt bao nhiêu?

Mức phạt với lỗi thay đổi kết cấu xe đã được ghi rõ trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, cụ thể như dưới đây.

Mức phạt với lỗi thay đổi kết cấu xe máy

Phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng với cá nhân, 600.000 - 800.000 đồng với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe. Ngoài việc bị phạt tiền, các cá nhân, tổ chức vi phạm lỗi thay đổi kết cấu xe máy còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.

Phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;
  • Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
  • Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
  • Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe.

Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về Điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông nếu điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Lỗi thay đổi kết cấu xe máy bị phạt cao nhất 4 triệu đồng

Lỗi thay đổi kết cấu xe máy bị phạt cao nhất 4 triệu đồng (ảnh minh họa)

Mức phạt với lỗi thay đổi kết cấu ô tô

Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với cá nhân, 600.000 - 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn;
  • Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe;
  • Không làm thủ tục khai báo với cơ quan đăng ký xe theo quy định trước khi cải tạo xe (đối với loại xe có quy định phải làm thủ tục khai báo).

Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân, 4 - 8 triệu đồng với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;
  • Đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông;
  • Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
  • Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

Phạt tiền từ 8 - 8 triệu đồng đối với cá nhân, 12 - 16 triệu đồng với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
  • Tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.
Lỗi thay đổi kết cấu ô tô bị phạt cao nhất 16 triệu đồng

Lỗi thay đổi kết cấu ô tô bị phạt cao nhất 16 triệu đồng (ảnh minh họa)

Thủ tục xin thay đổi kết cấu xe

Thủ tục xin thay đổi màu sơn xe

Để tránh bị xử phạt, trước khi thay đổi màu sơn xe, bạn nên làm thủ tục xin thay đổi màu sơn xe trước. Theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA, xe thay đổi màu sơn thì phải đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe. Thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe như sau:

  • Điền giấy khai đăng ký xe
  • Các loại giấy tờ theo quy định như chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước. Trong trường hợp chưa được cấp Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc nơi đăng ký thường trú ghi trong Chứng minh nhân dân không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình Sổ hộ khẩu. Nếu chủ xe là người nước ngoài thì nộp sổ tạm trú, sổ hộ khẩu, hộ chiếu còn thời hạn.
  • Nộp lại giấy chứng nhận đăng ký xe cũ
  • Mang theo xe để kiểm tra hiện trạng thực tế phương tiện

Theo quy định tại Thông tư số 229/2016/TT-BTC, lệ phí cấp đổi, cấp lại đăng ký xe đối với xe máy (trừ xe máy di chuyển từ khu vực có mức thu thấp về khu vực có mức thu cao) là 50.000 đồng. Trong khi đó, lệ phí cấp đổi, cấp lại đăng ký xe đối với ô tô ở khu vực I, II và III và 150.000 đồng. Sau đó, bạn có thể thay đổi màu sơn xe theo đúng màu ghi trong giấy đăng ký xe đã được cấp lại.

Trước khi sơn lại xe, chủ xe phải làm thủ tục xin thay đổi màu sơn

Trước khi sơn lại xe, chủ xe phải làm thủ tục xin thay đổi màu sơn (ảnh minh họa)

Thủ tục xin thay đổi kết cấu xe

Theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thủ tục thay đổi kết cấu xe như sau.

Lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo gồm:

  • Thuyết minh thiết kế kỹ thuật xe cơ giới (bản chính) theo quy định tại mục A của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT;
  • Bản vẽ kỹ thuật (bản chính) theo quy định tại mục B của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT.

Lập hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế gồm:

  • Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT;
  • 4 bộ hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo có thành phần theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 85/2014/TT-BGTVT;
  • Tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế (bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế);
  • Bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế của một trong các giấy tờ sau: Giấy Đăng ký xe ô tô; Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển); Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc giấy tờ chứng nhận đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, chưa có biển số đăng ký).

Sau đó, bạn nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế đến cơ quan thẩm định thiết kế (có thể là Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải). Cơ quan thẩm định thiết kế sẽ tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu thiết kế đạt yêu cầu, sau 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thiết kế, cơ quan thẩm định thiết kế cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Trường hợp không cấp, cơ quan thẩm định thiết kế thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do sau 22 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định.

Nghiệm thu xe cơ giới cải tạo:

Xe cơ giới sau khi thi công cải tạo theo thiết kế đã thẩm định phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận cải tạo. Đối với trường hợp cải tạo toàn bộ buồng lái, thân xe, khoang chở khách của xe chở người thì cơ sở cải tạo phải thông báo đến cơ quan nghiệm thu để kiểm tra và nghiệm thu trước phần kết cấu khung xương của thân xe, thùng xe theo thiết kế tại cơ sở cải tạo trước khi hoàn thiện.

Hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo bao gồm:

  • Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT;
  • Thiết kế đã được thẩm định. Đối với trường hợp miễn thiết kế quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 6 Điều 6 của Thông tư này phải có bản vẽ tổng thể xe cơ giới sau cải tạo do cơ sở cải tạo lập;
  • Ảnh tổng thể chụp góc khoảng 45 độ phía trước và phía sau góc đối diện của xe cơ giới sau cải tạo; ảnh chụp chi tiết các hệ thống, tổng thành cải tạo;
  • Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo;
  • Bảng kê các tổng thành, hệ thống thay thế mới theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT;
  • Bản sao có xác nhận của cơ sở cải tạo các tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế và tài liệu xác nhận nguồn gốc của các hệ thống, tổng thành cải tạo;
  • Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với cần cẩu, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí nén, khí hóa lỏng và các thiết bị chuyên dùng theo quy định.

Sau đó, nộp 1 bộ hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo đến cơ quan nghiệm thu cải tạo. Nếu kết quả nghiệm thu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận cải tạo trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc nghiệm thu. Trường hợp không cấp, cơ quan nghiệm thu thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do sau 2 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả nghiệm thu.

Hi vọng qua bài viết trên, các bạn đã hiểu rõ mình sẽ bị phạt như thế nào nếu thay đổi kết cấu xe và cần làm thủ tục gì khi muốn thay đổi kết cấu xe. Từ đó, các bạn sẽ tránh bị lực lượng chức năng xử phạt khi tham gia giao thông.

Chi tiết thủ tục đăng ký xe máy mới nhất năm 2020

Lan Quyên