Nên kiểm tra những gì trước khi mua xe cũ?

  • 21/06/2018 18:06

Tìm kiếm được một chiếc xe cũ thực ra không liên quan gì tới vận may và tất cả là nhờ có công sức nghiên cứu kỹ càng và kỹ năng điều tra giỏi mà thôi. Biết cách nhận ra vấn đề tiềm năng và quyết định độ đáng tin cậy của một chiếc xe cũ có thể cứu bạn khỏi một bàn thua trông thấy mỗi khi đi trên đường. Dưới đây là một số lời khuyên mà Consumer Reports đưa ra để giúp bạn quyết định một chiếc xe cũ có tốt hay không từ cơ sở nghiên cứu .

1. Kiểm tra độ đáng tin cậy

Một cách tốt để giảm bớt nguy cơ mua phải một chiếc ô tô cũ nhiều vấn đề là lựa chọn những mẫu xe với điểm đánh giá đáng tin cậy cao ngay từ ban đầu. Bạn có thể dựa theo đánh giá từ những trang nghiên cứu chuyên môn như Consumer Reports để thu hẹp những lựa chọn của mình khi bước vào thị trường xe cũ.

2. Kiểm tra ngoại thất

Bắt đầu bằng việc đi một vòng quanh chiếc xe, tìm kiếm những vết lồi lõm, bong tróc sơn, các tấm ốp thân vỏ hoặc phụ tùng không khít, vỏ đèn bị vỡ hay và cửa sổ bị nứt. Hơn nữa, khoảng cách giữa các tấm ốp thân vỏ cũng nên có độ rộng và thẳng hàng nhất quán.

Nhìn gần hơn có thể giúp bạn phát hiện sơn bị xịt quá đà trên lớp mạ crôm hoặc cao su hoặc trong hốc bánh của xe. Đây là một dấu hiệu cho thấy xe đã phải sửa chữa thân vỏ.

Kiểm tra sự hiện diện của chất trám thân xe với một miếng nam châm nhỏ. Nếu nam châm không dính vào tấm ốp thân vỏ, xe có thể đã được phủ chất trám thân xe dưới lớp sơn. Tât nhiên, cũng cần lưu ý là một số xe với ốp nhựa hoặc sợi thủy tinh sẽ không hút nam châm.

Cửa, nắp capô và cốp không đóng được hay không đóng kín là một dấu hiệu cho thấy trước đó xe đã từng bị hỏng hoặc sửa chữa không cẩn thận. Những mối hàn không thống nhất quanh nắp capô, cửa hoặc cốp cũng là dấu hiệu cho thấy xe đã qua sửa chữa.

3. Kiểm tra nội thất

Một cái nhìn cẩn thận vào trong khoang lái có thể hé lộ rất nhiều vấn đề rõ ràng, ví như lớp ốp trần sụt lún, mặt táp-lô nứt vỡ hay thiếu núm vặn, cần điều khiển và nút bấm. Dây đai an toàn bị tước sợi, hoặc có sợi bị chảy vì ma sát có thể là chứng cứ của một vụ va chạm trực diện ở tốc độ trên 24 km/h. Dây đai an toàn bị hỏng thì nên được thay thế ngay để đảm bảo an toàn.

Chân ga bị mòn sớm hoặc hoặc ghế tài xế bị lún đều là những dấu hiệu cho thấy chiếc xe đã chạy rất nhiều. Đèn cảnh báo túi khí luôn sáng có thể cho biết rằng túi khí đã bị bung ra và rồi được thay thế không chuẩn xác hoặc vẫn chưa được thay thế. Mùi nấm mốc gây ra bởi rò nước có thể rất khó tẩy đi được. Thảm trải sàn đã bay màu, bùn đất trong cốp, hoặc vấn đề gián đoạn điện bất chợt có thể là các dấu hiệu của xe từng bị ngập nước.

4. Kiểm tra dưới nắp capô

Đầu tiên, bạn nên nhìn xem động cơ, kết nước làm mát và ắc-quy xem có một chút dầu mỡ hay chỗ gỉ sét nào không. Dây cu roa và ống cao su nên có độ mềm đồng thời không bị mòn.

Hãy tìm kiếm những chỗ bị ướt, vốn có thể chỉ ra rằng xe từng bị rò rì dầu hoặc các dung dịch khác. Dây điện, đường ống, dây thép bị chảy hay tường lửa bị đen có thể là dấu hiệu của tình trạng động cơ quá nóng hoặc từng bị cháy trước đây.

Với động cơ ngon lành, hãy đảm bảo rằng tất cả dung dịch đều sạch, đổ đầy đúng mức, và không bị rò rỉ. Kiểm tra dầu động cơ trong khi động cơ đang mát. Hãy tháo que thăm nhớt và làm lau sạch nó với một tấm giẻ khô, cắm lại và tháo ra một lần nữa. Mực dầu nên ở mức giữa dấu “full” và “add” trên que thăm nhớt.

Dầu có sạn hoặc sền sệt có thể báo hiệu khoảng cách giữa mỗi lần thay dầu là rất lâu. Dầu mỏng, có bọt với màu như sô cô la sữa có thể cho bạn biết rằng gioăng đầu xi-lanh bị bung vỡ, đầu xi-lanh hoặc khối xi-lanh bị hư hỏng nặng. Các hạt kim loại mịn trong dầu máy chỉ ra hư hỏng bên trong hoặc hao mòn nặng.

Que thăm nhớt dung dịch hộp số thường được đặt ở phía sau của khoang động cơ. Nhớ kiểm tra nó sau khi xe đã được lái trong hơn 10 phút. Khi động cơ ở chế độ chạy không tải, cả hai hệ thống phanh và phanh đỗ được sử dụng, hãy chuyển qua từng cấp số một. Để động cơ chạy không tải và chuyển về số N hoặc P rồi kiểm tra mức độ tương quan tới dấu que thăm nhớt.

Đồng thời, bạn nên kiểm tra cả tình trạng của dung dịch nữa. Dung dịch hộp số nên có màu từ đỏ tươi cho tới nâu đỏ sáng, chứ không phải màu nâu sậm tối, đen, hoặc màu mù tạt, những màu đó có thể ám hiệu các vấn đề nghiêm trọng. Nếu dung dịch hộp số có mùi cháy mạnh, đó cũng là một dấu hiệu cho thấy sự hao mòn đáng kể bên trong.

5. Kiểm tra lốp xe

Bạn nên kiểm tra xem lốp có bị mòn đồng đều trên khắp chiều rộng mặt lăn lốp xe ở cả hai bên trái/phải hay không. Những lốp xe được sử dụng thường xuyên trong tình trạng bơm quá căng sẽ bị hao mòn ở phần giữa nhiều hơn. Trong khi đó, lốp bị bơm non thường hao mòn ở bên cạnh nhiều hơn.

Lốp bị mòn nhiều ở mép gần thành lốp cho biết rằng chủ cũ của xe đã “tổ lái” thường xuyên. Điều này có thể là một dấu hiệu gợi ý rằng những phụ tùng khác của xe cũng có thể bị mòn vì hành vi lái hết sức thô bạo của chủ cũ. Lốp xe lồi lõm không đều trên mặt lăn có thể chỉ ra nhiều vấn đề khác nhau về tay lái, hệ thống treo, hoặc phanh.

6. Kiểm tra tay lái

Để xe ở chế độ chạy không tải, thử xoay vô lăng sang phải và trái. Kiểm tra xem vô lăng có bị lỏng hay gây tiếng ồn khó chịu khi xoay hay không. Độ lỏng ổ trục có thể là do vô lăng quá mòn hoặc hỏng cơ cấu liên kết.

Khi lái xe ở tốc độ bình thường trên đường phẳng, êm ái, hãy để ý xem xe có bị liệng hoặc cần liên tục điều chỉnh vô lăng hay không. Vô lăng bị rung thường là dấu hiệu cho thấy cần đi cân chỉnh lại hoặc canh thẳng hàng đầu-cuối.

Tuy nhiên, vấn đề trên cũng có thể là đầu mối cho thấy xe có vấn đề với hệ truyền động, hệ thống treo, hoặc khung gầm, từ đó có thể dẫn đến sửa chữa tốn kém hơn.

7. Kiểm tra hệ thống treo

Bạn có thể kiểm tra hệ thống treo bằng cách ấn mạnh xuống chắn bùn và thả ra. Nếu còn tốt, xe sẽ bật lại một cách nhẹ nhàng, một hoặc hai lần. Nhiều hơn hai lần nảy mạnh có thể là dấu hiệu cho thấy các bộ giảm xóc hoặc thanh giằng bị mòn. Ngoài ra, hãy thử lái xe trên một đoạn đường gồ ghề ở tốc độ 48 km/h. Một chiếc xe bị nảy và rung ở một tốc độ trung bình trên một đoạn đường phẳng thông thường có thể cho thấy hệ thống treo đã hỏng hoặc mòn.

8. Kiểm tra ống xả

Nếu ống xả nhả ra khói trắng khi khởi động, đừng quá lo vì đây có lẽ là kết quả của sự ngưng tụ hơi nước. Tuy nhiên, khói đen nhả ra sau khi xe đã khởi động cho biết bộ lọc khí bẩn, cảm biến ô-xy hoặc công cụ đo lượng khí nạp bị lỗi.

Khói xanh là bởi cháy dầu và đó là một dấu hiệu không hề tốt, có thể dẫn đến sửa chữa đắt đỏ. Khói trắng nhiều cho biết nước lọt vào trong buồng đốt, thường là bởi gioăng đầu xi-lanh bị bung, đầu xi-lanh bị hỏng hoặc thậm chí là nứt vỡ khối xi-lanh.

9. Đạp chân ga

Trong khi lái, bạn hãy lưu ý xem động cơ có đạt vòng tua máy quá mức lúc tăng tốc hay không. Đây là dấu hiệu phổ biến của việc lắp đặt không đúng, bộ li hợp bị mòn, hoặc hộp số tự động bị hỏng. Chi phí điều chỉnh bộ li hợp không cao nhưng sửa chữa bộ li hợp hoặc hộp số tự động có thể tất tốn kém. Hãy lắng nghe tiếng lộp cộp và ping trong khi tăng tốc vì chúng báo hiệu thời gian đốt cháy không chuẩn hoặc động cơ bắt đầu quá nóng.

10. Kiểm tra lệnh triệu hồi

Nhớ kiểm tra xem mẫu xe bạn định mua có nằm trong một chiến dịch triệu hồi nào trước đó hay không. Thông qua đó, bạn có thể biết được chiếc xe cũ mà mình nhắm tới có nguy cơ gặp vấn đề gì và có thể sửa chữa một cách dễ dàng hay không, điển hình như vụ lỗi túi khí Takata có ảnh hưởng lên hàng triệu chiếc xe.

11. Nhờ sự trợ giúp của thợ ô tô

Cuối cùng, trước khi mua một chiếc xe cũ, bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp của một thợ ô tô lành nghề. Người này có thể thực hiện công việc kiểm tra tổng quan xe bằng những công cụ chuyên môn giúp bạn, qua đó dễ dàng phát hiện ra các vấn đề hơn và đưa ra một lời khuyên thẳng thắn trước khi bạn đặt tiền mua xe. Đương nhiên, chuyện này còn phải tùy thuộc vào bên đại lý bán xe cũ có cho phép bạn làm thế hay không.

>>> 10 mẫu xe nhanh mất giá nhất sau 3 năm sử dụng