Nhìn lại thị trường ô tô 2020: Cạnh tranh nảy lửa, xe Việt bứt phá bất chấp Covid

  • 31/12/2020 13:12
2020 đã chứng kiến một thị trường ô tô đầy ảm đạm bởi dịch Covid nhưng vẫn có một số thành công vang dội trong lịch sử nền công nghiệp ô tô nước nhà. 

Những ngày cuối cùng của tháng 12 sắp trôi qua cũng là lúc để nhìn lại thị trường ô tô năm 2020. Đây là một năm đầy khó khăn không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới bởi đại dịch Covid đã làm kiệt quệ toàn cầu, ảnh hưởng mọi lĩnh vực trong đó có công nghiệp ô tô.

Công nghiệp ô tô “đóng băng” vì Covid và sự phục hồi thần tốc trong 6 tháng cuối năm. 


Nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, khi cả nước bước vào cao điểm chống dịch, hàng loạt nhà máy lắp ráp và đại lý của các hãng xe tại Việt Nam đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Khó khăn kinh tế khiến người dân không còn ưu tiên sắm xe, đẩy thị trường vào tình cảnh ảm đạm dù giá xe giảm liên tục.

Đây là tình cảnh chung của ngành công nghiệp ô tô và thị trường ô tô toàn thế giới. Thậm chí, một trong những thị trường lớn hàng đầu châu Á là Ấn Độ còn ghi nhận kỷ lục “bất động” khi trong suốt 1 tháng cả nước không bán được 1 chiếc xe hơi nào. Việc kiểm soát kịp thời việc bùng phát dịch đã giúp Việt Nam nằm trong số các thị trường xe hơi bị ảnh hưởng ít nặng nề nhất. 

Theo số liệu thống kê, trải qua 6 tháng đầu năm, dung lượng tiêu thụ ô tô chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 154.273 xe). Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (6 tháng đầu năm 2018: 125.659 xe; năm 2017: 134.268 xe; năm 2016: 135.863 xe).

Nguyên nhân của việc giảm tiêu thụ xe bên cạnh các yếu tố trực tiếp từ giãn cách xã hội thì gián tiếp là sự khó khăn kinh tế đè nặng lên các doanh nghiệp và người lao động, dẫn tới chi tiêu cần thắt chặt. Các chuyên gia từng dự đoán tiêu thụ ô tô đến cuối năm sẽ không được như kỳ vọng, thậm chí xuống thấp nhất sau nhiều năm tăng trưởng. 


Ngay sau khi Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới trong tháng 4 và tháng 5, hầu hết các hãng xe đều tung khuyến mãi giảm giá “khủng”, mức giảm lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sức ỳ của thị trường vẫn còn rất lớn. Nhà nước phải vào cuộc khi từ 28/6 đến hết 31/12, chi phí trước bạ xe lắp ráp trong nước được hưởng gói ưu đãi của chính phủ giảm 50% so với quy định (tương đương 5-6% giá trị xe) – đồng nghĩa với việc chi phí lăn bánh của nhiều mẫu xe trong 6 tháng cuối năm 2020 giảm kỷ lục. Theo bộ Tài chính, gói ưu đãi này tương đương 3.700 tỷ đồng. 

Kết quả ngay lập tức được thể hiện bằng các con số. Theo VAMA, lượng tiêu thụ đã tăng dần đều từ tháng 9 đến tháng 11 liên tục lập đỉnh tháng tiêu thụ nhiều nhất năm và ở trong tình trạng tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Chỉ tính riêng 5 tháng cuối 2020, tổng tiêu thụ đã đã đạt 141.585 xe, đã tăng 32,1% so với nửa đầu năm 2020. Đấy là còn chưa tính thêm số liệu từ TC Motor, Mercedes-Benz và Vinfast đều là những thương hiệu có tiêu thụ xe rất tốt càng về cuối năm. Dự kiến tổng dung lượng thị trường sau khi kết thúc tháng 12 sẽ vẫn vượt mốc 400 ngàn xe, tương đương năm 2019.

Lượng xe nội bán tăng đột biến là cú hích khiến thị trường sôi động hẳn lên, kéo theo xe nhập khẩu cũng vào cuộc đua “tặng” khách lệ phí trước bạ. Mỗi xe tiết kiệm từ 80 triệu đến 200 triệu đồng làm tăng động lực cho khách hàng đổ xô đi mua. Một số dòng xe đang hot lắp ráp trong nước hiện nay không còn nhiều và sẽ không có khuyến mại thêm từ hãng, thậm chí khách hàng phải mua thêm một số dịch vụ đi kèm để được nhận xe. 

Thời điểm tháng 12 chính là cơ hội để người tiêu dùng có thể mua được xe ô tô với chi phí thấp nhất. Cũng nhờ đó sức mua ô tô đang tăng trưởng đáng kể, dự kiến có thể chốt doanh số đẹp cuối năm tạo nên bức tranh sáng sủa hơn hẳn so với nửa đầu “u ám”.

Xe Nhật thất thế, xe Hàn lên ngôi, xe Việt tăng tốc


Chỉ sau 18 tháng kể từ khi có xe thương mại, ba mẫu ô tô đầu tiên của VinFast đã vươn lên dẫn đầu các phân khúc. Vào những tháng cuối năm 2020, bảng xếp hạng những mẫu ô tô bán chạy nhất thị trường liên tục xướng tên VinFast cho vị trí "ngôi vương".

Tháng 11/2020, VinFast tự xô đổ kỷ lục số xe bán ra trong một tháng của chính mình với tổng cộng 4.040 xe. Từ số liệu tổng hợp báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và VinFast, lũy kế riêng 5 tháng tính từ đầu quý III (tháng 7 đến tháng 11) của hãng xe Việt đã đạt đến 14.417 xe - con số có thể xem là kỳ tích trong một thời gian ngắn với một thương hiệu mới như VinFast.

 
Trong đó, hai mẫu sedan Lux A2.0 và SUV Lux SA2.0 đều góp mặt trong danh sách những xe ăn khách nhất trên thị trường. Trong phân khúc hạng E, hai mẫu xe này có doanh số áp đảo nhờ yếu tố chất lượng và chính sách hỗ trợ giá mạnh tay từ hãng xe Việt.

Đặc biệt, mẫu xe VinFast Fadil duy trì vị trí số 1 ở phân khúc hạng A, chính thức được công nhận soán ngôi vương của Hyundai Grand i10 khi nhiều tháng liên tục áp đảo doanh số mẫu xe Hàn từng được coi là vua phân khúc. Các chuyên gia trong ngành nhận định, với chất lượng vượt trội so với các đối thủ cùng dòng xe đô thị đa dụng, vị thế số 1 của Fadil trong phân khúc A rất khó bị phá vỡ.

Với xe Hàn, lần đầu tiên một mẫu xe thương hiệu Hàn Quốc đã lật đổ ngôi vương của Nhật Bản trên thị trường trong 1 tháng: đó là Hyundai Accent - Chiếc xe bán chạy nhất tháng 1/2020. Và trong cả năm, nhiều tháng, những mẫu xe thuộc hai thương hiệu Hyundai và Kia chiếm tới một nửa vị trí trong bảng xếp hạng Top 10 Xe bán chạy của tháng. Xe Hàn được người tiêu dùng Việt đánh giá cao ở thiết kế thời trang, nhiều công nghệ, giá cạnh tranh so với thế mạnh bền bỉ và tiết kiệm nhiên liệu của xe Nhật.

Ở chiều ngược lại, ở bảng Top 10 xe kén khách của tháng, có thời điểm, các mẫu xe thương hiệu Nhật Bản chiếm tới 6/10. Tuy nhiên, xe Nhật vẫn có thể tự hào khi Toyota Vios vẫn là “Vua doanh số” khi trong 11 tháng (chưa có số liệu tháng 12) doanh số đã chạm mức 3.635 chiếc, vượt xa đối thủ đứng ở vị trí thứ 2 - VinFast Fadil - với 2.816 xe. 

Thế lực xe Trung Quốc trỗi dậy


Brilliance V7, Beijing X7, BAIC X55 với trang bị ngập tràn kèm mức giá thấp so với xe Nhật, Hàn cùng phân khúc tạo nên cơn sốt rầm rộ tại Việt Nam. Những cuộc tranh cãi kéo dài trên các diễn đàn, hội nhóm chơi xe về chất lượng xe Trung Quốc, mức độ hỗ trợ kỹ thuật của các hãng nước ngoài cho thương hiệu xe hơi đại lục. Thậm chí MG, một thương hiệu Anh nhưng được tập đoàn SAIC (Trung Quốc) mua lại, cũng được đem ra bàn tán về nguồn gốc.

Ngoại hình hiện đại, giá rẻ nhưng công nghệ nhiều là điểm thu hút chính của xe hơi Trung Quốc. Cạnh tranh CX-5, CR-V nhưng BAIC X55, Brilliance V7 lần lượt chỉ 528 triệu và 723 triệu đồng, tức rẻ hơn khoảng phân nửa các đối thủ Nhật. Trong khi Beijing X7 giá 528 - 688 triệu nhưng trang bị như xe sang.

Tạo cơn sốt bàn luận nhưng cũng nhanh chóng sau đó, hiện tượng xe Trung Quốc dần tan biến. Phần vì lượng xe về nước không nhiều, phần khác từ sự dè dặt của khách hàng về chất lượng cần được kiểm chứng thêm khi yếu tố "mới" qua đi.

Ô tô từ đại lục vẫn chủ yếu được nhập khẩu bởi một vài công ty phía bắc, bán chung nhiều mẫu xe. Để chinh phục khách hàng trong nước và thuyết phục họ về sự nghiêm túc trong cách thức bán hàng và chất lượng bảo đảm, cách xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, bài bản của các hãng Trung Quốc và đơn vị phân phối tại Việt Nam chưa thật sự quyết liệt.

Lỗi xe gây tranh cãi

Năm 2020 diễn ra nhiều cuộc triệu hồi xe do lỗi túi khí Takata, bơm xăng Denso, phần mềm điều khiển... với số lượng hàng chục nghìn chiếc. Những hãng bị ảnh hưởng như Toyota, Honda, Mercedes, Audi, Ford.

Bên cạnh các cuộc triệu hồi, khách hàng sử dụng xe và hãng nhiều lần không tìm được tiếng nói chung khi phát sinh các vấn đề về chất lượng xe. Hồi cuối tháng 2, sau khi nhiều khách hàng phản ánh, Trường Hải triệu hồi hơn 600 chiếc Mazda3 2020 để cập nhật phần mềm điều khiển hệ thống phanh bổ trợ, khắc phục hiện tượng phanh tự động kích hoạt ngoài ý muốn.

Tranh cãi dai dẳng nhất trong ngành xe 2020 là hiện tượng rò rỉ dầu trên các xe Ford Ranger, Everest, Ranger Raptor lắp động cơ 2.0 tăng áp, nhập khẩu Thái Lan. Chất lượng gia công bề mặt ống làm mát khí nạp và quá trình bôi keo mặt che dây đai cam không đủ độ kín khiến dầu rò rỉ ở động cơ khiến nhiều chủ xe lo lắng. Các cuộc đối thoại giữa người tiêu dùng và đại lý, đại diện hãng xe nhiều lần được tổ chức.


Sự việc kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6 mới được Ford Việt Nam giải quyết dưới sự chứng kiến của đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương). Các chủ xe tạm hài lòng, còn lô xe đời 2020 nhập khẩu Thái Lan đã được hãng khắc phục tình trạng này để tránh tâm lý lo lắng cho người dùng, dù hãng nói hiện tượng rò rỉ dầu động cơ không gây mất an toàn xe.


Một hãng xe khác cũng có hiện tượng rò rỉ dầu ở động cơ là Suzuki trên XL7 nhưng lượng ít hơn xe Ford. Hãng nói rằng do dầu sử dụng khi gia công, lắp ráp động cơ còn dư hoặc do dầu bị thấm từ thân động cơ. Điều này cũng không gây ảnh hưởng đến an toàn xe. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng xe Ertiga phản ánh xe bị hụt hơi khi tăng tốc. Hãng sau đó trấn an rằng, "đây là hoạt động bình thường của hộp số tự động 4 cấp, không phải lỗi thiết kế của nhà sản xuất".

Ngoài ra gần đây nhất chính là lỗi tự động tắt máy khi đang chạy hoặc hộp số tự động về số N trên chiếc Kia Sorento mới.