Hệ thống cân bằng điện tử ESP có vai trò như thế nào với xe ô tô?

  • 24/03/2020 12:03

Hệ thống cân bằng điện tử là gì?

Hệ thống cân bằng điện tử xe hơi là gì? Hệ thống cân bằng điện tử có tên tiếng Anh là "Electronic Stability Program", được viết tắt là ESP. Đây là một trong những tính năng an toàn quan trọng được trang bị trên ô tô, có vai trò đảm bảo sự cân bằng, ổn định cho xe trong quá trình vận hành. 

Hệ thống cân bằng điện tử là trang bị cần thiết trên xe ô tô

Hệ thống cân bằng điện tử là trang bị cần thiết trên xe ô tô.

Tùy theo cách gọi của các hãng sản xuất mà hệ thống cân bằng điện tử có nhiều tên khác nhau. Ví dụ, các hãng xe sang như Mercedes-Benz hay Audi gọi tắt hệ thống cân bằng điện tử là ESP. Trong khi đó, Honda lại gọi là ESC (Electronic Stability Control) hay Toyota và Lexus gọi là hệ thống cân bằng điện tử VSC (Vehicle Stability Control). Một số hãng khác đặt tên cho hệ thống này là DSC (Dynamic Stability Control), một vài hãng xe khác sẽ gọi là  hệ thống cân bằng điện tử VSA (Vehicle Stability Assist),  hệ thống cân bằng điện tử ASC (Active Stability Control),...

Từ năm 2015, hệ thống cân bằng điện tử đã được xem là trang bị gần như phải có trên các dòng xe phân phối tại thị trường châu Âu. Hiện nay, hệ thống này đã dần xuất hiện phổ biến trên các mẫu xe và là trang bị tiêu chuẩn của các dòng xe cao cấp, nhằm đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng cũng như người tham gia giao thông xung quanh. Rõ ràng, không chỉ những dòng xe hiệu năng cao mới cần hệ thống cân bằng điện tử mà kể cả các mẫu xe đô thị cũng rất cần được trang bị hệ thống này để đảm bảo khả năng bám đường của xe khi di chuyển qua địa hình bùn lầy, trơn trượt, gập ghềnh sỏi đá hay khi tài xế đánh lái đột ngột để tránh chướng ngại vật.

Hệ thống cân bằng điện tử ESP/ESC/DSC giúp tài xế kiểm soát lái tốt để xe di chuyển ổn định, cân bằng

Hệ thống ESP/ESC/DSC giúp tài xế kiểm soát lái tốt để xe di chuyển ổn định, cân bằng .

Vai trò của hệ thống cân bằng điện tử với ô tô

Cân bằng điện tử có tác dụng gì? Hệ thống cân bằng điện tử ESP giúp tài xế kiểm soát tay lái tốt hơn nhằm hạn chế hiện tượng văng đầu/văng đuôi xe hay lật xe, từ đó giảm thiểu tai nạn xảy ra. Ngoài ra, nếu bác tài lỡ đánh dư lái thì hệ thống cân bằng điện tử sẽ can thiệp, tự động chuyển hướng và giúp xe lấy lại sự cân bằng.

Theo thống kê, nếu xe được trang bị hệ thống cân bằng điện tử thì có thể giảm 1/3 số vụ tai nạn xảy ra hàng năm. Kết quả khảo sát của các chuyên gia cũng cho thấy, những mẫu xe được trang bị cân bằng điện tử ESP có khả năng giảm đến gần 70% số vụ va chạm so với các mẫu xe không có hệ thống này.

Với vai trò quan trọng như vậy, không quá khó hiểu vì sao cánh lái xe thường nói rằng hệ thống cân bằng điện tử chính là "bùa hộ mệnh" của họ khi chạy xe. Để nhận biết chiếc xe của mình có được trang bị hệ thống cân bằng điện tử hay không, chủ xe có thể quan sát ký hiệu ESP/ESC trên bảng đồng hồ. Khi hệ thống này được kích hoạt, đèn phía bên phải sẽ sáng lên, còn nếu không hoạt động, đèn bên trái sẽ sáng.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống cân bằng điện tử

Theo các chuyên gia tư vấn kỹ thuật xe hơi, để hoàn tất vai trò của mình, hệ thống cân bằng điện tử hoạt động dựa trên sự liên kết của nhiều hệ thống quan trọng khác, có thể kể đến như:

  • Hệ thống chống bó cứng phanh ABS: hạn chế hiện tượng mất lái khi tài xế phanh gấp để tránh chướng ngại vật khi đang di chuyển ở tốc độ cao.
  • Hệ thống ASR (Acceleration Slip Regulator): giảm thiểu tình trạng trượt bánh xe khi tăng tốc.
  • Hệ thống EBR (Engine Brake Regulation): đảm bảo xe di chuyển với tốc độ ổn định.
  • Hệ thống TCS (Traction Control System): chống trượt bánh và kiểm soát lực kéo.

Thực tế, hệ thống cân bằng điện tử được phát triển và hoàn thiện dựa trên cơ chế hoạt động của hệ thống ABS (hệ thống chống bó cứng phanh) và EBD (hệ thống phân phối lực phanh điện tử). Theo đó, các kỹ sư sẽ cài đặt thông số độ trượt ngang, tốc độ xe, góc đánh lái, áp lực phanh và công suất vào bộ ECU.

Trong quá trình di chuyển, hệ thống cân bằng điện tử sẽ thu tín hiệu từ các cảm biến chính như cảm biến bướm ga, cảm biến tốc độ từng bánh xe (vehicle speed sensor), cảm biến xác định tọa độ trọng tâm của chiếc xe (G sensor), cảm biến góc lái (steering angle sensor), từ đó nhận biết tốc độ và góc đánh lái của xe. Những tín hiệu này sẽ được truyền về hộp ECU, nếu vượt quá ngưỡng cho phép thì hệ thống ESP sẽ được kích hoạt, can thiệp đến bướm ga, công suất và điều chỉnh áp suất dầu phanh ở 4 bánh xe để tạo sự cân bằng, đưa xe về trạng thái ổn định nhất.

Hệ thống cân bằng điện tử can thiệp và điều chỉnh áp suất phanh bánh xe để giúp xe lấy lại thăng bằng khi đánh lái đột ngột

Hệ thống cân bằng điện tử can thiệp và điều chỉnh áp suất phanh bánh xe để giúp xe lấy lại thăng bằng khi đánh lái đột ngột.

Ví dụ trong trường hợp xe đang chạy và phải đánh lái sang phải gấp để tránh chướng ngại vật, cảm biến tốc độ ở 4 bánh và cảm biến góc lái sẽ truyền tín hiệu về ECU để xử lý, kịp thời điều chỉnh tốc độ hợp lý. Trong khi đó, cảm biến trung tâm nếu phát hiện xe có nguy cơ mất kiểm soát, tài xế mất lái thì lúc này ESP sẽ điều chỉnh áp suất phanh ở bánh phải phía sau để giữ sự ổn định cho xe. Cùng với đó, sau khi đánh lái sang phải, bác tài sẽ trả lái thẳng nên xe trong tình trạng bị dư lái, cảm biến trọng tâm sẽ đưa ra tín hiệu để ECU điều chỉnh phanh ở bánh phải phía trước, nhanh chóng giúp xe lấy lại sự cân bằng.

>>> Xem thêm: Hỗ trợ phanh khẩn cấp BAS - người bạn tin cậy trên mọi nẻo đường

Trong trường hợp đổ đèo, xe cũng dễ bị mất kiểm soát, lúc này các cảm biến sẽ đưa ra tín hiệu để hệ thống cân bằng điện tử điều chỉnh cấp số phù hợp nhằm tăng độ bám đường cho bánh xe, giúp phần thân giữa của xe giữ được sự cân bằng.

Hoàng Cúc