Toyota Corolla thay đổi ra sao qua 12 thế hệ

  • 27/08/2021 00:08

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1966, Toyota Corolla bây giờ đã đạt mức sản xuất 50 triệu chiếc vào tháng 7 năm nay. Hiện tại, Toyota Corolla đã trải qua 12 thế hệ và đây vẫn là mẫu xe bán chạy nhất mọi thời đại của Toyota. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cũng như khám phá những thay đổi của mẫu xe huyền thoại này từ trước đến nay.

Thế hệ thứ 1: 1969-1970

Toyota Corolla thế hệ thứ 1.

Mẫu xe Toyota Corolla đầu tiên được thiết kế với triết lý đơn giản, gọn gàng và sắc nét mang đến tầm nhìn bao quát xung quanh vốn được tìm thấy trong các mẫu coupe, sedan bốn cửa và wagon hai cửa.

Toyota Corolla thế hệ đầu tiên cung cấp động cơ 4 xi-lanh 1.077 cc với chất liệu nhôm cho đầu xi-lanh, ống dẫn khí nạp, nắp máy và vỏ bộ ly hợp. Thực tế, động cơ này chỉ tạo ra 60 mã lực (51 mã lực nếu đo theo tiêu chuẩn ngày nay). Do đó, xe mất khoảng 17 giây để tăng tốc độ từ 0-96 km/h.

Thời điểm này, Toyota Corolla chỉ có la-zăng 12 inch và đi kèm duy nhất với hộp số sàn 4 cấp. Được biết, phiên bản sedan 2 cửa có giá khởi điểm khoảng 1.700 USD (39 triệu đồng). Trong số các tính năng tiêu chuẩn, đáng chú ý nhất là ghế trước có thể ngả ra sau và nắp bình nhiên liệu có khóa.

Thế hệ thứ 2: 1971-1974

Toyota Corolla thế hệ thứ 2.

Doanh số bán hàng của Toyota Corolla thực sự bùng nổ khi thế hệ thứ 2 xuất hiện vào cuối năm 1973. Đáng chú ý, xe dài hơn một chút so với phiên bản tiền nhiệm. Bên cạnh đó, xe cũng tăng công suất lên thành 73 mã lực và đi kèm hộp số tự động 2 cấp. Năm 1972, phiên bản SR-5 coupe đã có thể đạt công suất 88 mã lực nhờ động cơ 1.6L với hộp số sàn 5 cấp.

Box tư vấn mua xe - biên tập viên không chỉnh sửa tại đây!

Thế hệ thứ 3: 1975-1979

Toyota Corolla thế hệ thứ 3.

Năm 1975, Toyota giới thiệu Corolla thế hệ thứ 3 đi kèm với các động cơ 1.2L, 1.3L và 1.6L. Được biết, thế hệ này cũng có thêm các phiên bản Coupe và Liftback vào năm 1976 để bổ sung thêm không gian hàng ghế sau. Kết quả là chiếc xe vừa thể thao mà vừa mang tính thực dụng

Thế hệ thứ 4: 1980-1984

Toyota Corolla thế hệ thứ 4.

Ở thế hệ này, Toyota Corolla sở hữu thiết kế góc cạnh hơn, rộng rãi hơn và yên tĩnh hơn so với người tiền nhiệm. Trong khi đó, công suất bắt đầu ở mức 75 mã lực đối với động cơ 1.8L và lên đến 90 mã lực đối với động cơ OHV 1.6L. Riêng phiên bản 2 cửa được giới chuyên gia đánh giá cao về hàng ghế trước khi có tính năng “nhớ ghế” và có thể ghế trượt về phía trước để hỗ trợ việc ra vào hàng ghế sau.

Xem thêm: Toyota Corolla Altis giảm giá sâu, dọn kho đón phiên bản mới

Thế hệ thứ 5: 1985-1988

Toyota Corolla thế hệ thứ 5.

Đến thế hệ thứ 4, Toyota Corolla chuyển hướng sang sử dụng hệ dẫn động cầu trước. Điều này giúp chiếc xe có thêm không gian nội thất và khả năng bám đường tốt hơn trong mọi thời tiết. Tất cả các động cơ dẫn động cầu trước đều là cấu hình động cơ SOHC.

Bên cạnh đó, xe vẫn có tuỳ chọn hệ dẫn động cầu sau đối với phiên bản AE86 ở cả dạng Coupe và Hatchback. Phiên bản GT-S đầu bảng được đi kèm động cơ DOHC 1.6L. Sau này, Corolla AE86 GT-S dẫn động cầu sau  đã trở thành một huyền thoại trong đời thực và trong các trò chơi điện tử.

Thế hệ thứ 6: 1989-1992

Toyota Corolla thế hệ thứ 6.

Khác với thế hệ thứ 5, bước sang thế hệ thứ 6, Toyota Corolla đã không còn tùy chọn RWD và tất cả các phiên bản đều trang bị động cơ cam kép (DOHC) 16 van. Đáng chú ý, xe cũng có hệ thống treo độc lập trên cả 4 bánh.

Thực tế, riêng phiên bản Corolla All-Trac sử dụng hệ thống dẫn động bốn bánh AWD. Trong khi đó, phiên bản GT-S thể thao nhất đi kèm động cơ 4A-GE sản sinh công suất 135 mã lực kèm đèn pha lật lên xuống như AE86.

Thế hệ thứ 7: 1993-1997

Toyota Corolla thế hệ thứ 7.

Với cả 2 loại động cơ DOHC 1.6L và 1.8L, Toyota Corolla thế hệ thứ 7 đã loại bỏ tất cả các dáng xe khác và chỉ giữ lại phiên bản Sedan và Wagon. Thế hệ này cũng giúp Corolla giành danh hiệu mẫu xe bán chạy nhất mọi thời đại. So với trước đó, Corolla thời điểm này trở nên giống Camry hơn về mặt thiết kế và trên thực tế nó đã tăng kích thước cabin.

Thế hệ thứ 8: 1998-2002

Toyota Corolla thế hệ thứ 8.

Một trong những điểm nhấn của thế hệ này chính là việc giới thiệu túi khí bên để tăng thêm mức độ an toàn. Về sức mạnh, động cơ 1.8L với công nghệ điều khiển van biến thiên có thể tạo ra công suất 120 mã lực. Về kích thước, trục cơ sở của xe vẫn giống như trước. Tuy nhiên, Corolla thế hệ thứ 8 đã được cải tiến để có nhiều không gian cabin hơn.

Thế hệ thứ 9: 2003-2008

Toyota Corolla thế hệ thứ 9.

Vào năm 2003, mẫu xe cũ đã được thay thế bằng thế hệ thứ 9. Ưu điểm của thế hệ này là không gian lớn hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn bao giờ hết. Cụ thể, Corolla thời điểm này dài hơn và cao hơn một chút để tạo ra cabin rộng rãi nhất từ trước đến nay. Tại một số thị trường, Toyota Corolla còn có tên gọi khác là Toyota Corolla Altis.

Được biết, biến thể Corolla S đã bổ sung hệ thống treo thể thao và kiểu dáng thân xe đặc biệt. Với động cơ 130 mã lực, Corolla được ước tính tiết kiệm nhiên liệu ở mức 7,6 và 8,4L/100km lần lượt đối với bản số sàn 5 cấp và số tự động 4 cấp.

Riêng biến thể XRS có thể tạo ra công suất lên tới 164 mã lực từ động cơ 1.8L và hộp số sàn 6 cấp. Đến năm 2002, Corolla đã đạt mốc 25 triệu chiếc bán ra trên toàn thế giới.

Xem thêm: Vì sao Toyota Corolla Altis cũ được săn đón hơn Kia Cerato?

Thế hệ thứ 10: 2009-2013

Toyota Corolla thế hệ thứ 10.

Toyota Corolla thế hệ thứ 10 đã đến vào năm 2009 và sử dụng động cơ 2.4L của Camry đối với biến thể XRS. Bên cạnh đó, xe cũng giới thiệu các công nghệ mới như kết nối iPod, Bluetooth và điều khiển gắn trên vô-lăng.

Ở thế hệ thứ này, xe được giới chuyên gia đánh giá vào loại yên tĩnh nhất trong phân khúc và ít tiếng ồn của gió hơn so với nhiều mẫu xe sang. Ưu điểm tiếp theo là xe trông bóng bẩy hơn trước và cũng rộng rãi. Đáng chú ý, biến thể XLE có sẵn cửa sổ trời tự động, hệ thống âm thanh JBL, radio vệ tinh và 8 loa.

Thế hệ thứ 11: 2014-2018

Toyota Corolla thế hệ thứ 11.

Từ năm 2014-2018, mẫu xe thế hệ thứ 11 đã giới thiệu công nghệ an toàn tiên tiến mới như phanh khẩn cấp tự động, phát hiện người đi bộ, cảnh báo chệch làn đường và hỗ trợ lái.

Về ngoại thất, Corolla thời điểm này đã ra mắt thiết kế nhiều góc cạnh hơn. Về nội thất, chỗ để chân của hàng ghế sau rộng rãi hơn nhiều so với trên nhiều mẫu Sedan cỡ trung và cỡ lớn. Bên cạnh đó, vật liệu nội thất tiếp tục mang lại cảm giác cao cấp và hệ thống âm thanh màn hình cảm ứng có kết nối Bluetooth, USB và iPod theo tiêu chuẩn.

Các biến thể L và S trang bị hộp số sàn 6 cấp trong khi hộp số tự động giờ đây được thay thế bằng số CVT để tăng cường mức tiết kiệm nhiên liệu. Nhờ vậy, Corolla Eco với công nghệ động cơ Valvematic được ước tính tiết kiệm nhiên liệu 5,6L/100km trên đường cao tốc và 6,9L/100km khi chạy kết hợp.

Thế hệ thứ 12: 2019-nay

Toyota Corolla thế hệ thứ 12.

Ở thế hệ thứ này, dáng xe Hatchback đã quay trở lại và hiện tạo ra công suất tối đa 169 mã lực từ động cơ 2.0L. Đáng chú ý, xe đã tăng kích thước khi giới thiệu phiên bản Crossover có tên là Toyota Corolla Cross. Điều này sẽ góp phần không nhỏ vào doanh số vốn đã rất cao của Corolla.

Để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng, Corolla Hybrid Sedan lần đầu tiên ra mắt và trở thành phiên bản Corolla tiết kiệm nhiên liệu nhất, ở mức 4,5L/100km khi chạy kết hợp. Trong khi đó, các mẫu xe trang bị động cơ 2.0L tiêu tốn 6,7L/100km khi chạy kết hợp.

Biến thể Crossover của Toyota Corolla.

Tất cả các mẫu xe Corolla thế hệ này đều dựa trên nền tảng Toyota New Global Architecture (TNGA) để nâng tầm về sự nhanh nhẹn và tính an toàn. Thêm vào đó, xe có tính năng Toyota Safety Sense 2.0 tiêu chuẩn trên tất cả các biến thể.

Xem thêm: Toyota Corolla Cross 2020 bản “full options” siêu lướt hét giá ngang xe mới

Nguồn ảnh: Toyota

Theo Anh Khoa
Link bài gốc Copy link
http://thanhnienviet.vn/2021/08/27/toyota-corolla-thay-doi-ra-sao-qua-12-the-he